Giỏ hàng

Need For Speed Unbound – Đánh Giá Game

Need For Speed Unbound mang đến một diện mạo mới rất cá tính, cách chơi hấp dẫn cùng hiệu năng cực kỳ ổn định. Nhưng thật tiếc là nhiều hạn chế của phiên bản trước vẫn còn tồn đọng và còn phát sinh thêm các vấn đề khác khiến trải nghiệm chơi phần nào bị sụt giảm đáng kể.  
Tuy nhiên, đây rõ ràng là một bước đi đúng đắn của EA khi trao lại số phận của dòng game này về lại tay đội ngũ kỳ cựu Criterion sau nhiều năm lao đao không tìm được chỗ đứng trên thị trường. Hy vọng ở các phiên bản tiếp theo chúng ta sẽ được chứng kiến những sự lột xác ngoạn mục và chào mừng “vị vua” của thể loại đua xe arcade này quay trở lại thời kỳ đỉnh cao.

  • Need For Speed Unbound – Need For Speed vốn là một tượng đài khổng lồ của làng game đua xe arcade và từng có thời “làm mưa, làm gió” với hàng loạt sản phẩm ra mắt định kỳ hàng năm trong suốt thập niên 2010, nhưng kể từ sau thành công của bản Rivals (2013) thì dòng game này đã trải qua một thời kỳ dài đầy “sóng gió” khi bị công ty chủ quản EA “hắt hủi” đẩy cho “sang tay” nhiều đội ngũ phát triển khác nhau, còn doanh số bán thì ngày càng sụt giảm.
  • Phiên bản gần đây nhất Need For Speed Heat năm 2019 dù có chất lượng không tệ nhưng việc đón nhận không mấy mặn mà của các fan, cùng doanh thu ảm đạm đã đẩy EA tới quyết định… giải thể luôn toàn bộ đội ngũ phụ trách Ghost Games và trao lại toàn bộ số phận của dòng game này về lại tay Criterion, studio từng gầy dựng nên tên tuổi của phiên bản được đánh giá là xuất sắc nhất mọi thời đại: Most Wanted (2015) và cũng là cha đẻ của dòng game Burnout kỳ cựu.
  • Bẵng đi suốt 3 năm, trong âm thầm lặng lẽ Criterion đã bất ngờ công bố sản phẩm tiền nhiệm mang tên: Need For Speed Unbound, với một diện mạo đồ họa hoàn toàn mới. 

"Việc phải đối với một áp lực khủng khiếp từ công ty chủ quản, cùng sự hoài nghi của giới hâm mộ như vậy, liệu tựa game này có đủ thực lực để vực dậy được cả một huyền thoại đường đua điện tử không? "

BẠN SẼ THÍCH

CHẤT LIỆU “ĐƯỜNG PHỐ” SÁNG TẠO, ĐỘC ĐÁO!

  • Trái với phần lớn các tựa game đua xe ở thời điểm hiện đại có xu hướng nâng cấp đồ họa, ngày càng bám sát với đời thực thì Need For Speed Unbound lại chọn cho mình một định hướng nghệ thuật rất riêng, khi pha trộn giữa phong cách sử dụng các nhân vật “cel shading” 2D cùng các hiệu ứng minh họa truyện tranh comic “nghịch ngợm” với những chiếc xe 3D được khắc họa theo trường phái tả thực.
  • Thú thực là ngay cả người viết khi nhìn thoáng qua các đoạn trailer công bố game đầu tiên, cũng từng có cảm nghĩ sự pha trộn “thập cẩm” về mặt hình ảnh này dễ khiến game trở nên “hỗn loạn” và rối rắm, nhưng thật bất ngờ và phải dành lời khen ngợi với cách mà đội ngũ Criterion pha trộn thật hoàn hảo các chất liệu này, để tạo nên một tựa game vừa phá cách mà vẫn rất hấp dẫn!  

  • Các hiệu ứng hạt khói phát ra từ bộ lốp mỗi khi ma sát xuống đường, tia đèn led phát ra từ cụm đèn hậu hay các biểu tượng khuôn mặt “smiley” ngộ nghĩnh đều góp phần tăng thêm cá tính cho tựa game mà không hề mang lại cảm giác “lố”. 
  • Độc đáo là trái ngược với các nhân vật như bước ra từ các bộ phim anime thì bối cảnh chính của game tại thành phố Lakeshore, lấy cảm hứng từ đô thị Chicago, được xây dựng một cách chân thật, tỉ mỉ với đầy đủ nhiều công nghệ đặc tả ánh sáng, bóng đổ hiện đại như Ray Tracing, Global illumination. 

 

  • Việc thêm vào các vị khách bộ hành NPC cũng giúp phố xá trở nên tấp nập và sống động hơn khắc phục triệt để yếu điểm trống vắng buồn tẻ của môi trường trong phiên bản Heat.  
  • Nhưng ấn tượng nhất là sức mạnh của nền tảng Frostbite engine nay được phát huy tối đa trên phần cứng của các thế hệ máy “current-gen”, đã giúp game có một trải nghiệm mượt mà với hiệu năng ổn định, ngay cả ở mức phân giải 4k (2160p) trên PS5 và Xbox Series X, điều mà chưa từng có phiên bản nào của Need For Speed từng làm được trên console.    

" Đội ngũ Criterion pha trộn thật hoàn hảo các chất liệu này, để tạo nên một tựa game vừa phá cách mà vẫn rất hấp dẫn!"

KỊCH TÍNH VÀ HẤP DẪN!

  • Đương nhiên trọng tâm cách chơi của Need For Speed Unbound vẫn là ở cảm giác lái và trải nghiệm những “chiến mã” từ cổ điển cho tới hiện đại, từ những biểu tượng điện ảnh như Mazda RX-7 trong Tokyo Drift cho đến những chiếc siêu xe ngoài đời thật như Bugatti Chiron, nếu bạn là một fan kỳ cựu của dòng game thì hãy yên tâm khi tất cả đều được Criterion thể hiện một cách rất xuất sắc và trọn vẹn.
  • Việc “drift” xe giờ đã trở nên dễ dàng hơn so với bản Heat, ngoài bình Nitros chính thì game còn có thêm một thanh Burst Nitros giúp xe có thể tăng tốc liên tiếp ở những quãng ngắn và thanh này thì lại được bơm dần khi người chơi càng lái… bạt mạng và “máu lửa” như vào cua thật “khét”, thọc sườn xe đối thủ hay “phi thân” lên các bậc thềm cao tránh né chướng ngại vật (một phong cách rất Burnout nếu bạn đã từng kinh qua dòng game này – NV). Nhờ thế mà những cuộc đua “xé” toạc bầu không gian yên tĩnh nay lại càng thêm phần khốc liệt.
  • Những va chạm mạnh còn được thể hiện rất ấn tượng và chân thật, tuy không tới mức nhìn “bấy bá” như dòng game Burnout nhưng người viết vẫn cảm nhận rất rõ các dư chấn khủng khiếp và nhiều khi còn “trố mắt” ngắm nhìn… chiếc xe bay nhào lộn nhiều vòng trên không trung, chứ không đơn thuần vài đường trầy xước nhẹ nhàng cho có lệ như các phiên bản trước.  

  • Mặt khác, cách thiết kế bản đồ, giao diện và các tính năng mua sắm hay bày biện Garage thì Need For Speed Unbound cũng kế thừa rất nhiều nét tương đồng từ game tiền nhiệm Need For Speed Heat.
  • Tiến trình (progression) thăng tiến của người chơi cũng quen thuộc từ việc sắm sửa cho mình một trong những chiếc “xế hộp” rẻ tiền, nâng cấp “bộ đồ lòng” để tranh đua với các dân chơi đường phố, gầy dựng tên tuổi rồi bước vào các sự kiện đua mang tính chất gợi mở cốt truyện, còn tiền kiếm được từ các vòng đua thì để mua sắm và “lên đời” nhằm thỏa được các yêu cầu về tốc độ mà game sẽ đưa ra theo từng giai đoạn. 
  • Cụ thể thì tất cả xe trong game sẽ có một điểm số tổng hiệu năng dựa trên các tiêu chí như mã lực của động cơ (engine) và chi tiết từng phụ tùng (parts) được người chơi “chế cháo” (tuning). 
  • Từ điểm số này sẽ lại phân xe ra thành các hạng (tier) từ B cho tới S+ là cao nhất, với mỗi vòng đua hay sự kiện trong game đều có mức quy định cụ thể cho hạng tham gia. Ví dụ xe của bạn đã “độ” lên tới mức S thì chỉ được đua cùng cấp chứ không thể nhảy sang các chặn đua của các hạng thấp hơn như B, A, A+ hay cao hơn như S+.

" nếu bạn là một fan kỳ cựu của dòng game thì hãy yên tâm khi tất cả đều được Criterion thể hiện một cách rất xuất sắc và trọn vẹn "

  • Điều này cũng giúp tăng thêm phần kịch tích trên mỗi cung đường khi các tay đua đối thủ đều xứng tầm và hạn chế tối đa việc chênh lệch kiểu có thể cho đối phương “hít khói” một cách dễ dàng như trước.    
  • Còn yếu tố trang trí (style) thân vỏ xe thì người chơi vẫn có thể thoải mái “bung lụa” nhấn nhá cho chiếc xe mang đậm chất cá tính từ việc cắt dán các tấm decal, hạ gầm, đổi chắn gió hay thậm chí… tháo luôn toàn bộ miếng cản trước mà không sợ ảnh hưởng gì tới điểm hiệu năng. 
  • Đặc biệt hơn, Need For Speed Unbound còn có sẵn những bộ “body kit” cực ngầu cho từng loại xe mà chỉ cần xuống tiền (trong game) là sẽ “tút” lại được toàn bộ “dàn áo” một cách xịn sò và hầm hố.     
  • Cuối cùng thì âm nhạc trong game tuy không có được sự đa dạng về thể loại, chỉ tập trung ở những bản hip-hop nhưng vẫn rất “bắt tai” với các giai điệu hiện đại trẻ trung, tiết tấu nhanh, dồn dập khiến người viết cứ muốn đạp ga chạy mãi mà không biết chán. 

BẠN SẼ GHÉT

VẪN CÒN NHIỀU MẶT HẠN CHẾ

  • Thật tiếc là Need For Speed Unbound không chỉ thiếu đi những cải tiến mang tính đột phá mà còn mang theo vài khía cạnh có thể xem là “cải lùi” của game tiền nhiệm Heat. 
  • Đầu tiên có thể kể đến yếu tố “cheat” của các chiếc xe do A.I máy điều khiển. Rất nhiều lần người viết chứng kiến chúng đâm vô tội vạ vào nhau khiến người chơi không kịp trở tay ở tốc độ cao, rồi lại có những khi chúng “bắn tốc” thẳng về đích một cách hoàn hảo gần như không thể nào bắt kịp, dù xe không quá chênh lệch về hiệu năng. 
  • Tiếp theo về mặt nội dung, tuy đã có thêm sự sáng tạo và không quá “ẹ” như Payback hay lặp lại mô típ nhàm chán “đối đầu cớm bẩn” của Heat nhưng cốt truyện của Need For Speed Unbound vẫn mang lại cảm giác khá “nhạt” với những câu thoại của nhân vật “cải lương” và quá phi thực tế.    

  • Game cũng không có được yếu tố thời gian thực (dynamic weather) khi ngày và đêm, nắng hay mưa vẫn chỉ là những khung thời gian cố định và chỉ thay đổi mỗi khi người chơi lái xe về lại Garage. 
  • Chưa kể bây giờ chỉ số Heat (giống như số sao truy nã trong dòng game Grand Theft Auto) sẽ bắt đầu tăng từ cả ban ngày luôn và bảo toàn về tới đêm, khiến phần lớn thời gian ngoài những cuộc đua của người chơi sẽ là đi “cắt đuôi” các tay cớm “bám dai hơn đỉa”.

"Need For Speed Unbound không chỉ thiếu đi những cải tiến mang tính đột phá mà còn mang theo vài khía cạnh có thể xem là “cải lùi” của game tiền nhiệm Heat"

NHIỀU KHÍA CẠNH PHIỀN HÀ, DỄ GÂY ỨC CHẾ!

  • Nhắc tới khía cạnh “cảnh sát” trong Need For Speed Unbound thì người viết phải thốt lên: “ối dồi ôi!”. Về sau, cứ kết thúc một chặng đua dù không hề bị “dí” nhưng game vẫn cứ chuyển cảnh rồi hiện lên dòng chữ “Cop Chase Resuming”, với gần như toàn bộ khí tài của cả lực lượng chính quyền bám sát sau đuôi người chơi.
  • Hãy thử tưởng tượng cảnh bạn vừa ăn mừng chiến thắng muốn “ná thở” xong, lại bị bắt phải chạy đi tìm đường đào tẩu, cứ thế lặp đi lặp lại xuyên suốt game trong một cách hoàn toàn bị động.
  • Thực tế thì việc trốn chạy không phải là quá khó khăn, nhất là khi người chơi sở hữu những chiếc xe có khả năng bắn tốc kinh khủng như Regera, Bugatti Chiron nhưng đáng nói là tần suất xuất hiện của xe cảnh sát trong Need For Speed Unbound quá sức dày đặc. 
  • Chỉ ở mức Heat 2 mà người viết đã có cảm giác như đang chơi một tựa game lén lút và phải đóng vai trốn tìm, chứ không phải là một game đua xe nữa! 

  • Và đương nhiên nếu lỡ không may bị “tóm” hay va chạm quá nhiều khiến chiến xe bị hư hại đến mức không thể sửa chữa được, người sẽ chơi mất trắng toàn bộ số tiền thu thập được trong suốt cả quá trình đua trước đó, rất dễ ức chế! 
  • Khác với Heat, Need For Speed Unbound đã bỏ đi hoàn toàn cơ chế thăng cấp (reputation) để mở khóa xe có thể mua, giờ đây người chơi chỉ cần quan tâm một yếu tố duy nhất đó chính là… tiền!
  • Cũng vì thế mà tiền khó kiếm hơn rất nhiều so với các phiên bản trước, biến game trở nên nặng nề yếu tố “cày cuốc” nếu như người chơi muốn sắm siêu xe hay nâng cấp các món phụ tùng cao cấp. 
  • Tất cả chặn đua có tiền thưởng lớn đều cần một khoảng phí “vào cổng” gọi là buy-in nên nếu về đích với thứ hạng quá thấp thì bạn còn có thể bị… âm tiền! 

  • Còn tính năng đặt cược tưởng chừng như giúp ta có thêm một khoản thu nhưng thực tế nó cũng là một “con dao hai lưỡi” khi người chơi sẽ luôn bị giới hạn lại số lần “restart” ở bất kỳ cuộc đua hay sự kiện nào, nhằm hạn chế tối đa việc ăn gian (cứ bấm đua lại nếu thua cược). 
  • Nghĩa là chỉ cần một sai lầm rất nhỏ hay có khởi đầu không mấy trơn tru thì người chơi cũng phải ráng “cắn răng” mà đua cho hết chặn, nếu như đã lỡ dùng hết số lần “restart” (khởi động lại) ít ỏi. 
  • Một điều đáng tiếc nữa là game cũng không có góc nhìn buồng lái (cockpit view) và số lượng xe cùng hãng xe cũng không thật sự đa dạng (khoảng 140 xe) nếu so với các đối thủ “cộm cán” đến từ thể loại mô phỏng (simulation) như Forza hay Gran Turismo.

"Nhắc tới khía cạnh “cảnh sát” trong Need For Speed Unbound thì người viết phải thốt lên: “ối dồi ôi!” "

(theo vietgame)

Facebook Instagram Youtube Twitter Xem địa chỉ Shop Chat với chúng tôi Top