Lords of the Fallen 2023– Đánh Giá Game
Lords of the Fallen (2023) – Tuy có khởi đầu từ gần 15 năm trước, song cho đến nay thị trường các tựa game “Souls-like” vẫn luôn là mảnh đất màu mỡ để bởi tập game thủ rất đông đảo. Đặc biệt là trong bối cảnh mà DLC Elden Ring – Shadow of the Erdtree vẫn còn bặt vô âm tín cho đến (có thể) The Game Award 2023 vào cuối năm nay.
- Trong thời gian “đói khát” này, những đại diện được đầu tư nhiều tiền của như Lies of P hay Wo Long: Fallen Dynasty chắc chắn sẽ là những “bữa xế” không hề tệ. Tuy nhiên, ngoài hai cái tên nổi bật đã khẳng định được chất lượng trên, thì vẫn còn một kẻ đến sau, đó là Lords of The Fallen (2023).
- Cái tên này khá là quen tai phải không? – Đúng vậy, phiên bản tiền nhiệm của nó vào năm 2014 với cái tên y xì đã tạo ra không ít dấu ấn và lôi kéo được một tập thể fan kha khá, nhất là những người chơi mới tập tễnh làm quen dạng game “souls-like”.
- Dù vậy, chất lượng của Lords of The Fallen (2014) vẫn còn cách các sản phẩm của FromSoftware khá xa, nhưng cũng là quá đủ tiềm năng để CI Games nghĩ đến một hậu bản, một lối đi riêng để thâm nhập sâu hơn vào thị trường game nhập vai nặng tính “hành xác” này.
- Lords of The Fallen (2023) đã trở lại với một diện mạo đầy ấn tượng trên nền Unreal Engine 5 tân tiến và một bối cảnh đen tối đầy “mị lực” vào giữa tháng 10 qua. Vietgame.asia sẽ cùng bạn “thẩm” xem Lords of The Fallen (2023) sẽ có một màn trở lại hoành tráng hay tiếp tục chỉ là những nuối tiếc kéo dài…
BẠN SẼ THÍCH
KẺ DU HÀNH XUYÊN CÕI CHẾT!
- Vùng đất Mornstead sau một ngàn năm lại lần nữa rơi vào thời kỳ đen tối khi Ác Thần Adyr lại trỗi dậy cùng quân đoàn hỗn mang của mình. Để một lần nữa tiêu diệt Adyr, người chơi – một Thập Tự Quân vô danh thuộc quân đoàn Dark Crusaders, bất ngờ được “chọn” là người sẽ cùng chiếc đèn thần có khả năng “thông địa” giữa Âm giới và Nhân giới để giải cứu Mornstead. Hành trình thanh tẩy 5 ngọn hải đăng “Beacons of the Sentinels” của người chơi cũng bắt đầu từ đây.
- Kể từ những trailer “cinematic” đầu tiên, Lords of The Fallen (2023) đã “nhá” cho người chơi một tính năng vô cùng độc đáo, đó là khả năng sử dụng Umbral Lamp, một trang bị mặc định có tầm quan trọng bậc nhất để du hành giữa Nhân giới – Axiom Realm và cả Âm giới – Umbral Realm.
- Umbral Realm thực tế không phải là một địa danh mới mà lại là chính Mornstead ở một chiều không gian song song, nơi người chết và những thế lực tà ma ngự trị. Sự hiện diện của Umbral Realm không chỉ đóng vai trò mở rộng thế giới trong Lords of The Fallen (2023), mà còn đưa lối chơi của game trở nên nặng tính thử thách và thêm nhiều bí ẩn thúc đẩy người chơi có máu mạo hiểm dấn thân khám phá.
- Umbral Lamp sẽ cho người chơi hai khả năng chính gồm xuyên không vào Umbral Realm và một “cơ hội sửa sai” để trở lại Nhân giới sau khi… tạch. Tất nhiên, người chơi sẽ chỉ có duy nhất một lần cứu vãn sai lầm của mình, đổi lại hành trình của bạn trong Umbral Realm cũng sẽ “vô tình” mở ra rất nhiều bí mật ẩn giấu khác.
- Người viết từng khá ấn tượng với khả năng thiết kế màn chơi mà phiên bản Lords of The Fallen (2014). Nó đủ phức tạp để những game thủ Souls-like gạo cội cũng phải “lú”, và cũng đủ chặt chẽ để tạo sự liên kết trong cốt truyện và bối cảnh.
- Ưu điểm thiết kế màn chơi phức tạp tiếp tục được nâng cấp trong Lords of The Fallen (2023) với sự hiện diện của Umbral Realm. Người chơi không chỉ có thêm một thế giới song song để khám phá, mà xuyên suốt đó là những câu đố về đường đi thông minh được nhà sản xuất dày công thiết kế.
- Với khoảng hai giờ chơi đầu, việc du hành Umbral Realm có thể sẽ khiến người chơi rơi vào trạng thái bối rối. Tuy nhiên một khi hiểu được cơ chế hoạt động của Umbral Realm, người chơi hoàn toàn có thể làm chủ cả hai giới mà không phải “nể mặt” bất cứ thế lực tà ma nào.
- Đặc biệt là việc luân phiên qua lại giới hai giới, người chơi hoàn toàn có thể không tốn một bình máu nào trong suốt quá trình khám phá từ khu vực này cho đến khu vực tiếp theo. Game cũng khuyến khích người chơi “du hí” Âm giới càng lâu càng tốt bởi lượng Vigor (tiền mặt) có được từ đây là vô cùng dồi dào, lại còn được tăng theo cấp số nhân.
- Tuy nhiên, Âm giới, đúng như cách mà chúng ta gọi nó, vô cùng chết chóc và nguy hiểm. Càng ở lâu trong Umbral Realm, người chơi sẽ luôn bị bao vây bởi vô số kẻ địch xuất hiện ngẫu nhiên với sức mạnh tăng dần. Đỉnh điểm là sự truy đuổi của… lũ Thần Chết.
- Đúng rồi, không chỉ một mà là… một đạo quân Thần Chết sẽ dí người chơi chạy “tụt cả lưng quần”. Áp lực mà người chơi phải đối diện mỗi lần bước vào Umbral Realm là vô cùng lớn, cái chết luôn rình rập khắp mọi nơi, và ở Umbral Realm bạn cũng sẽ không có cơ hội thứ hai nào đâu nhé!
- Quay trở lại với thiết kế màn chơi, Lords of The Fallen (2023) ít nhiều sẽ khiến game thủ nhớ về Dark Souls phiên bản đầu tiên bằng những thiết kế màn chơi thông minh, liên kết tài tình giữa các khu vực với nhau. Nó tăng giá trị chơi lại của game lên khá cao, bởi chỉ với một lần chơi thì game thủ khó mà nắm bắt hết mọi nẻo đường trong game, trải nghiệm của người chơi trong “New Game +” cũng nhờ đó mà thêm nhiều bất ngờ.
- Nhiều game thủ sẽ cho rằng thiết kế màn chơi của Lords of The Fallen (2023) quá rối rắm, nhưng người viết tin rằng khám phá Axiom Realm và Umbral Realm có thể là điều hay ho (duy) nhất mà Lords of The Fallen (2023) có thể mang đến cho người chơi.
Lords of The Fallen (2023) ít nhiều sẽ khiến game thủ nhớ về Dark Souls phiên bản đầu tiên bằng những thiết kế màn chơi thông minh, liên kết tài tình giữa các khu vực với nhau
CHẾT CHÓC NHƯNG ẤN TƯỢNG!
- Một trong những điều khiến Lords of The Fallen (2023) chiếm được sự quan tâm của game thủ chắc chắn là đến từ thế giới đen tối nặng phong cách “Dark Fantasy”, đánh mạnh vào thị hiếu yêu thích sự ngầu lòi của mọi game thủ thể loại nhập vai.
- Khác với sự cục mịch của phiên bản cũ, những trang bị trong phiên bản lần này được thiết kế thanh thoát hơn rất nhiều, khắc họa được đặc trưng của từng lớp nhân vật cũng như cho người chơi nhiều lựa chọn phong cách thời trang khác nhau. Đồng thời các phong cách thời trang này vẫn có một sự đồng nhất về ngôn ngữ thiết kế nhất định, ăn nhập chặt chẽ với bối cảnh mà game khắc họa.
- Không chỉ dừng lại ở thiết kế trang bị, Axiom Realm và Umbral Realm trong game cũng được xây dựng vô cùng kỳ vỹ, thực sự ấn tượng ở các góc nhìn toàn cảnh. Tạm gác lại yếu tố hiệu suất kém và chi tiết vân bề mặt, thực sự những đại cảnh của Mornstead trong Lords of The Fallen (2023) có một sức mê hoặc rất lớn, người chơi có thể tùy tiện bật chế độ chụp ảnh 3D trong game và chụp đại cũng được một tấm hình để làm hình nền Windows!
- Từ thánh đường Skyrest Bridge dưới ánh nắng chiều, cho đến những điện thờ dị giáo hay những khu rừng chết… đều góp phần khắc họa một Mornstead đang tàn lụi và điên loạn một cách ấn tượng!
- Ngược lại với vẻ kỳ vỹ nhưng điêu tàn và u ám của Nhân giới, Âm giới lại mang một vẻ đẹp chết chóc khác hoàn toàn. Với một tông màu tái lạnh đến rùng mình, Umbral Realm luôn luôn ẩn chứa vô vàn nguy hiểm, hơi thở của thần chết như kề bên tai người chơi; những tàn tích đồ sộ và kỳ dị cộng với mật độ dày đặc sẽ khiến người chơi phải kinh ngạc trước công sức thiết kế của nhà phát triển. Người chơi đôi khi sẽ phải trầm trồ tận hai lần cho cùng một địa danh khi ngắm nhìn chúng ở hai thế giới khác nhau với hai vẻ đẹp cũng hoàn toàn khác nhau.
- Lords of The Fallen (2023) đã thành công khi cho người chơi một trải nghiệm du hành cõi âm ti ấn tượng. Cộng với thiết kế màn chơi hay ho nói trên, đây là điểm duy nhất cho người chơi động lực kiên trì hoàn thành game.
Nhưng tại sao lại là duy nhất?
Lords of The Fallen (2023) đã thành công khi cho người chơi một trải nghiệm du hành cõi âm ti ấn tượng. Cộng với thiết kế màn chơi hay ho nói trên, đây là điểm duy nhất cho người chơi động lực kiên trì hoàn thành game
BẠN SẼ GHÉT
SỰ CẨU THẢ KHÔNG THỂ LẤP LIẾM!
- Nếu chỉ dạo qua một loạt các trang web tổng hợp đánh giá của Lords of The Fallen (2023), điểm số trung bình của gane không hề tệ, hoàn toàn đủ “ổn” để các game thủ yêu thích “Souls-like” thử qua. Điều này khiến người viết có không ít những kỳ vọng trước lúc trải nghiệm game.
- Tuy nhiên, sau khi tiêu tốn hơn 50 giờ trong Lords of The Fallen (2023), ngoài hai điểm cộng nói trên thì game chỉ là một màn trình diễn nghèo nàn, có phần lép vế so với đối thủ trực tiếp là Lies of P, vừa ra mắt trước đó không lâu.
- Đầu tiên, điều khiến không ít game thủ phải chùn bước chính là hiệu suất và phiên bản trên PC rất, rất tệ! Là một tựa game thuộc thế hệ mới, được ứng dụng nhiều công nghệ đồ họa tân tiến từ Unreal Engine 5, nhưng việc không làm chủ được công nghệ đã góp phần khiến màn ra mắt của Lords of The Fallen (2023) trở thành “thảm họa”. Mọi đánh giá trên Steam hầu hết đều đề cập đến hiệu suất thiếu ổn định, văng game xảy ra liên tục và khung hình sồi sụt dù cấu hình “chiến game” có thừa chỉ số sức mạnh!
- Đó chỉ là màn khởi đầu, thực tế như đã đề cập ở trên, Lords of The Fallen (2023) chỉ ăn điểm ở những góc máy rộng hoặc phải thông qua chế độ chụp ảnh 3D mới thực sự trông ấn tượng mà thôi. Trong quá trình chơi vô vàn khuyết điểm đồ họa lộ rất rõ như vân bề mặt tải cực kỳ chậm (vốn là yếu điểm cố hữu của Unreal Engine); chúng không đồng đều, chỗ thì quá chi tiết, chỗ thì quá thừa; hiệu ứng phép thuật và kỹ năng rất nghèo nàn, như một tựa game ra mắt cách đây hơn 10 năm; hiệu ứng ánh sáng kém hiệu quả dù đã áp dụng công nghệ Lumen mới trên Unreal Engine 5…
- Nhắc đến Lumen, đây có thể là vấn đề chính ảnh hưởng đến hiệu suất của Lords of The Fallen (2023), bởi nếu so với video “khoe” đồ họa hồi đầu năm, chất lượng đầu cuối đã có sự thua sút (downgrade) rõ rệt. Các hiệu ứng đổ bóng cơ bản như Ambient Occlusion cũng hoàn toàn biến mất, khiến mọi vật thể kể cả nhân vật chính cứ như đang lơ lửng trên không, ánh sáng đổ lên nền nhà trông cực kỳ giả trân và thiếu tự nhiên.
- Tại sao một tựa game không có hệ thống thời tiết và ngày – đêm lại phải ứng dụng Lumen “nửa vời” để trở nên bất ổn định như vậy?
- Trên một phép so sánh với đối thủ trực tiếp là Lies of P, một tựa game được dựng trên nền Unreal Engine 4 tức thế hệ cũ hơn nhưng lại có thừa sự lộng lẫy, hiệu ứng đẹp đẽ vượt trội nhưng hiệu suất vô cùng ổn định, đòi hỏi cấu hình nhẹ nhàng hơn nhiều so với Lords of The Fallen (2023).
- Phong cách đồ họa mà Lords of The Fallen (2023) định hướng tuy rất ấn tượng, ngầu lòi và mê hoặc, nhưng nó cũng chỉ đẹp khi ở cảnh tĩnh mà thôi. Bởi trong hầu hết quá trình phiêu lưu của người chơi đa số là chui vào các hang hốc chật hẹp, mà ở đây, ánh sáng và sự phức tạp của các hiệu ứng diêm dúa lại góp phần khiến người chơi bị rối mắt, có quá nhiều chi tiết được cố gắng thể hiện trong cùng một khung hình khiến người chơi khó lòng tập trung vào các đối tượng chính như kẻ thù hay địa hình.
- Lấy ví dụ như khi đối đầu với một tên lính cấp cao vừa sử dụng vũ khí cận chiến, vừa sử dụng phép thuật nhánh Radiant. Người chơi vừa phải theo dõi một tên lính tối màu, được phủ một mớ hiệu ứng vàng chói lóa, hắn gọi ra thêm phân thân cũng vàng khè, với hiệu ứng ánh sáng – gai nhọn – bụi vàng khắp màn hình nhưng riêng thanh kiếm của hắn lại chẳng hề có lấy một hiệu ứng đường chém khiến việc kiểm soát nhịp độ trong cuộc chiến là vô cùng khó khăn. Chưa kể nếu đánh trúng người chơi, một số hiệu ứng phép Radiant còn phát nổ với một mớ dây gai cũng vàng chóe lấp đầy hoàn toàn khung hình…
- Hoặc, lấy một ví dụ khác, nếu không bị lóa mắt bởi hàng tá hiệu ứng phép thuật rườm rà thì kẻ thù trong game cũng được thiết kế với độ “ẩn thân” cực kỳ cao. Chúng có màu sắc, mật độ phủ vân bề mặt gần như y hệt phần không gian xung quanh, cộng thêm việc thiếu các hiệu ứng đường chém khi ra đòn, thì người chơi gần như “mù hoàn toàn” khi bị vây từ ba kẻ thù trở lên.
- Tại sao một tựa game chặt chém, mà khi vung kiếm lại chẳng hề có một hiệu ứng đường chém rõ rệt nào, thay vào đó chỉ có một chút độ méo không khí vô cùng mờ nhạt?
- Thời trang trong Lords of The Fallen (2023) phải nói là rất ngầu, rất ấn tượng nhưng vẫn chỉ dừng lại ở khung hình tĩnh. Một số lượng rất lớn trang phục trong game đều có áo choàng, hoặc ít nhất là luôn có những tà vải lua tua rách rưới để trông ấn tượng hơn. Nhưng xin thề là hiệu ứng mô phỏng vật lý, mà đặc biệt là áo choàng trong game… vô cùng xấu xí, cứng nhắc như một tấm bạt che mưa vắt lên nhân vật chính vậy.
- Việc lựa chọn một bộ trang phục trong game để tránh sự xấu xí của hiệu ứng áo choàng phải nói là cực kỳ khó khăn, bởi bộ nào cũng như bộ nào. Những bộ trang phục dạng đầm, khố càng xấu “đau đớn” hơn khi trang phục cứ như dính cứng trên mô hình nhân vật. Đây là năm 2023 và Lords of The Fallen (2023) cho người chơi một hệ thống mô phỏng vật lý trang phục xấu hết chỗ chê!
- Còn ai là người nghĩ ra cách bố trí nút bật chế độ chụp ảnh thì người viết cũng đến chắp tay “Ạ!” một tiếng. Bạn nghĩ mình sẽ có một pha phi thân, lao mình cực ngầu xuống con trùm, và bật chế độ chụp ảnh ngay khoảnh khắc đó để “bùa” hiệu ứng và có bức hình tuyệt đẹp sao? Quên đi, bạn phải… bật kho đồ của nhân vật lên trước rồi mới kích hoạt được chế độ chụp ảnh của game nhé! Thực sự vô cùng khó khăn để sắp đặt một cảnh chiến đấu hoành tráng, hoặc kể cả là tạo dáng để chụp hình.
- Về mặt hiệu năng, các bản vá lỗi đang liên tục được CI Games liên tục cập nhật, liên tục ép người dùng nâng cấp trình điều khiển (driver) card đồ họa. Là một người thường dùng “studio driver” của Nvidia để phục vụ cho cả nhu cầu công việc, người viết thực sự mệt mỏi khi bị game ép buộc phải chuyển sang “game ready driver” mới có thể cải thiện được một chút (không nhiều) hiệu suất của game.
Mọi đánh giá trên Steam hầu hết đều đề cập đến hiệu suất thiếu ổn định, văng game xảy ra liên tục và khung hình sồi sụt
KẺ “HỌC VẸT”
- Thôi thì những khuyết điểm về mặt kỹ thuật vẫn có thể cải thiện dần như “tấm gương” Cyberpunk 2077. Tuy nhiên Lords of The Fallen (2023) cơ bản là một tổ hợp thất bại từ ngay chính cách nó được thiết kế.
- Khuyết điểm dễ nhận thấy nhất ngay cả trong các đoạn trailer phô diễn lối chơi trước khi game ra mắt đó là hệ thống chiến đấu. Từ phiên bản 2014, hệ thống chiến đấu “dưỡng sinh” đã là một điểm yếu lớn, nhưng đến tận gần 10 năm sau Lords of The Fallen (2023) vẫn không rút ra được kinh nghiệm nào. Diễn hoạt chiến đấu của nhân vật chậm chạp và ì ạch tới mức người viết có cảm giác như đang phải điều khiển một nhân vật chính đang trong quá trình “hồi phục chức năng” sau chấn thương cột sống vậy.
- Diễn hoạt nhân vật chậm và thiếu lực, đồng nghĩa với các trận chiến trong game rất thiếu hấp dẫn. Trang bị có tốc độ cao nhất trong Lords of The Fallen (2023) chắc chỉ có thể là song kiếm hoặc song đoản đao, với mức sát thương chẳng khác gì… dao thái hoa quả. Còn nếu chọn cho mình một loại vũ khí nặng hơn, chẳng hạn trường kiếm hoặc đại kiếm thì thời gian tung ra một đòn đánh đến lúc trở lại trạng thái ban đầu có khi đủ để người chơi uống hết một cốc nước.
- Ngược lại, hệ thống né tránh (dodge) trong game lại hoạt động với biên độ quá mức cần thiết. Thao tác né và nhào lộn của nhân vật tạo ra một khoảng cách rất lớn với đối thủ, hoàn toàn nằm ngoài tầm với của vũ khí của chính nhân vật. Nghĩa là đòn “phản công” ngay sau khi né sẽ gần như hụt, hoặc nếu không hụt thì cũng mất chút thời gian để nhân vật “thở vài hơi” trước khi nhấc thanh kiếm trên tay “quẹt” vào người đối thủ. Điều này khiến nhịp độ chiến đấu rất thất thường, lúc thì nhanh, lúc thì chậm, không đồng nhất và trở nên giật cục rất khó chịu!
- Ở một số trường hợp ở các môi trường hẹp, do khoảng cách nhào lộn và né tránh quá lớn mà người chơi sẽ… gieo mình xuống vực một cách đầy cay cú! Đặc biệt là khi hệ thống chiến đấu và né tránh tệ hại này kết hợp cùng hệ thống khóa mục tiêu ngớ ngẩn bậc nhất từng được tạo ra.
- Những tựa game cùng thể loại như Lies of P, Wo Long hay Elden Ring, game sẽ khóa các mục tiêu theo hướng camera bất kể nhân vật có quay mặt đi hướng nào. Người chơi không lo mất mục tiêu, và cũng hoàn toàn có thể linh động chạy chỗ trong quá trình chiến đấu.
- Còn với Lords of The Fallen (2023), game khóa mục tiêu theo hướng nhân vật đang nhìn, nghĩa là cho dù người chơi đang xoay camera vào con trùm và điều khiển nhân vật chạy một hướng khác thì game sẽ không khóa mục tiêu khi người chơi bấm nút, thay vào đó sẽ xoay góc nhìn camera của người chơi về hướng nhìn của nhân vật. Thế là người chơi mất hoàn toàn phương hướng, mất dấu địch, đưa lưng cho địch “xiên” và ngã xuống như một thằng đần.
- Chưa dừng lại việc gây ức chế tại đó, hệ thống này cũng hoạt động khá ngẫu nhiên, khi thì tự ý khóa mục tiêu sau lưng nhân vật mà bỏ qua hết tất cả đối thủ đằng trước, lúc thì khóa mục tiêu ở xa nhất thay vì mục tiêu ở gần nhất, và đôi khi là… tự động chuyển luôn mục tiêu được khóa nếu nhân vật quay mặt đi hướng khác, dù người chơi không hề tác động gì.
- Độ phản hồi của tín hiệu trong Lords of The Fallen (2023) cũng vô cùng lề mề, khi thì không nhận tín hiệu, khi thì dính chồng tín hiệu khiến các động tác diễn ra liên hoàn thay vì bị hủy. Chẳng hạn như nếu người chơi nhấn né đòn ngay trong lúc trúng đòn, game sẽ diễn hiệu ứng trúng đòn lên nhân vật, sau đó nhân vật vẫn tiếp tục thực hiện thao tác né tránh mà trước đó người chơi đã nhấn. Trong một số trường hợp bị bao vây và hỗn loạn, hệ thống phản hồi tín hiệu vụng về này sẽ là nguyên nhân chính khiến người chơi “đi đảo sớm”.
- Cùng “đằng cấp” với hệ thống chiến đấu dành cho người có tuổi là phần trình diễn diễn hoạt (animation) gây… đau mắt. Nếu nhìn vào phần vinh danh thực hiện (credit) cuối game sẽ thấy đội ngũ đảm nhiệm khâu animation cũng không phải ít mà ngược lại còn rất đông, nhưng những gì được thể hiện thì rất kém cỏi!
- Diễn hoạt địch thủ và trùm không mượt mà, sượng và rất gượng gạo. Một trong những con trùm đảm nhiệm khâu “gây ấn tượng” ban đầu về sự xấu xí của animation là Pieta. Tuy là con trùm mang tính biểu tượng, có sức ảnh hướng lớn đến mạch truyện chính, song con trùm này lại có bộ animation phải nói là xấu hết chỗ chê, vừa gượng gạo, vừa kỳ quặc, lối ra đòn hoa hòe và cũng “dưỡng sinh” không kém nhân vật chính!
- Đôi lúc, người viết có cảm giác như đây là một tựa game nhập vai theo lượt hơn là chiến đấu thời gian thực, bởi gần như tất cả mọi con trùm trong game này đều có nhịp đánh kiểu: đánh – nghỉ – đánh – nghỉ… rất đều, mà mỗi quãng nghỉ lại khá dài. Vậy nên, chiến thuật đơn giản chỉ là chờ chúng đánh xong, đến lượt nhân vật chính tung đòn, mọi thứ diễn ra tuần tự và thế là xong.
- Thiết kế các con trùm, nhân tố chính làm nên sự thử thách của thể loại game này cũng được đầu tư hời hợt và đầy sự lười biếng. Trong game nếu tính “sương sương” thì có tầm 30 con trùm để người chơi “dợt”. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 10 trong số đó là những con trùm chính, còn lại đều là những con trùm thêm vào… cho có bằng cách mang một đối thủ cấp cao, nhét vào phòng đấu trùm, kéo dài thanh máu lẫn tăng sát thương và thêm thắt một vài cơ chế “lắc nhắc” khác để làm khó người chơi.
- Lấy ví dụ như con trùm Kinrangr Guardian Foland. Con trùm này được đặt trong một hồ nước có tác dụng giảm tốc độ di chuyển của người chơi, cùng với đó là ba con sói có khả năng áp sát và ra đòn tốc độ cao, con trùm chính thì có khả năng vung rìu chém một lưỡi hàn đao từ khoảng cách xa, cả bốn đối tượng được “bảo kê” bằng một hiệu ứng bất tử từ một ký sinh trùng trong Umbral Realm.
- Nếu muốn tiêu diệt con trùm này, người chơi phải thực hiện một loạt động tác “siêu rườm rà”: lấy cây đèn Umbral ra, giữ nút thắp sáng nó (trạng thái không thể phòng thủ hay tấn công) để tìm xem con ký sinh trùng này đang ở đâu; nếu may mắn tìm được vị trí của nó, người chơi phải bấm thêm một nút kích hoạt tiêu diệt bằng đèn Umbral và đòn này tốn khoảng 2 giây. Còn nếu không may mắn? Bạn sẽ bị một con mini-boss có khả năng tấn công diện rộng khác trong Umbral Realm đứng ngay cạnh con ký sinh trùng đó lôi hẳn vào Umbral Realm, mất đi một cơ hội hồi sinh và đồng thời phải đối diện với tận năm kẻ thù cùng lúc và còn được… buff bất tử.
- Bản thân con trùm chính cũng chỉ là một quái cấp cao được đẩy chỉ số sức khỏe và sát thương lên, nên bộ chiêu thức của nó cũng vô cùng nghèo nàn. Nó chỉ có đúng một đến hai đòn thế bổ củi, và cứ thế bổ củi liên tục để bắn ra các đòn băng từ xa. Hết!
- Mà cho dù là đến cả những con trùm chính, đóng vai trò quan trọng canh giữ các ngọn hải đăng thì cũng chẳng khá hơn. Bộ chiêu thức và diễn hoạt chiêu thức của nó gần như là bê y hệt lại từ đám quái cấp thấp hơn. Nếu bạn chạm trán những đối thủ sử dụng trường kiếm như thế nào, thì bạn sẽ gặp lại những đòn thế y hệt như vậy ở các con trùm cũng dùng trường kiếm. Mà để kiếm được một con trùm thực sự khác biệt, tạo được dấu ấn, chắc cũng chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Có chăng thì có thể kể tên được mỗi The Sundered Monarch hoặc Tancred, Master of Castigations mà thôi.
- Tiện nhắc đến trùm, “hit-box” (phạm vi đánh trúng) của chúng lên nhân vật chính cũng vô cùng ảo diệu, đôi lúc cứ tưởng như bọn trùm dùng thần lực chiến đấu thay vì thực sự đánh trúng người chơi vậy. Trạng thái đánh gục (poise và staggering) trong game chẳng khác gì một trò hề khi sát thương gây ra cho đòn hiểm này chỉ như muỗi đốt, để đạt được trạng thái vỡ poise còn khó hơn cả đánh bại chính con trùm. Còn gì để cứu vãn nữa không?
- Nếu đống “hành” khó ngửi kia được chia sẻ cùng một đồng đội thì tốt, bởi Lords of The Fallen (2023) cũng có hệ thống chơi cộng tác (co-op) tương tự như Elden Ring. Nhưng tuyệt nhiên điều đó cũng chẳng được thực hiện tốt bởi… máy chủ tệ lậu!
- Vai trò của các NPC phụ trợ trong quá trình đánh trùm cũng vô cùng tệ. NPC quá dốt, quá yếu đã đành, còn rất thích xông pha và “gáy”. NPC hữu dụng nhất chắc cũng chỉ có đúng mỗi Pieta, khiến mối liên kết giữa người chơi và các NPC khác cũng trở nên nhạt nhòa.
- Một số nhiệm vụ phụ cũng được bố trí rất khó hiểu, đôi khi nhiệm vụ thất bại chỉ vì người chơi vô tình kích hoạt điểm lưu ngay sau khi đánh trùm, điều mà những tưởng là vô cùng bình thường ở các tựa game khác mà chẳng có lấy một cảnh báo nào.
- Để chốt hạ cho một loạt combo khuyết điểm đánh gục người chơi, đó chính là hệ thống New Game + rất “sáng tạo” của game. Nó vừa sáng tạo và… vừa xuẩn ngốc!
- Lords of The Fallen (2023) có nhiều hơn một kết thúc, vậy nên rất dễ hiểu nhiều người chơi sẽ tiếp tục New Game + để lấy thêm một cái kết khác, nhằm mở khóa nhiều thành tựu. Nhưng, như một “gáo nước lạnh”, người viết bàng hoàng nhận ra rằng ngay ở New Game + đầu tiên, mọi điểm dịch chuyển đều bị vô hiệu, chỉ trừ hai điểm dịch chuyển cơ bản tại Skyrest Bridge và tại một điện thờ thuộc kết thúc ẩn mà thôi.
- Một thử thách mà ban đầu người viết tưởng là rất hay, nhưng lại có tác dụng phụ rất lớn là hạn chế khả năng kiểm soát các tuyến nhiệm vụ chồng chéo nhau, thứ mà đòi hỏi người chơi phải dịch chuyển lại các địa điểm cũ rất nhiều lần.
- Tuy game có hỗ trợ “trồng” thêm một-và-chỉ-một điểm dịch chuyển tùy ý, nhưng cũng chẳng thể giúp được người chơi nhiều bởi độ khó ở NG+ so với NG là vô cùng lớn. Mọi con trùm ở New Game + như được tăng gấp đôi sát thương cùng một thanh máu… dài gấp 5 lần vậy. Bản thân người viết đã phải tốn hơn 30 phút, là hơn 30 phút đấy, chỉ để “cày” hết thanh máu của The Sundered Mornach ở New Game +. Và sau đó… quyết định xóa game và “say goodbye” luôn kết thúc thứ ba!
theo VIETGAME