Final Fantasy XVI - Điểm 10 - Đánh Giá Game
Final Fantasy XVI – Những bạn đọc chơi game từ thuở tầm 20 năm về trước, các bạn có nhớ những tựa game hồi đó đem lại cảm giác gì không?
- Còn người viết, người viết vẫn còn nhớ như in khoảnh khắc chiếc Falcon lướt ngang bầu trời, và dòng chữ “The End” hiện ra, kết thúc 60 giờ chơi Final Fantasy VI kéo dài 1 tháng của người viết, kèm với đó là một chuỗi cảm xúc trống rỗng, thất thần khó mô tả!
- Cảm giác đó sau này cũng lặp lại khá nhiều với nhiều phiên bản Final Fantasy khác, cũng như những tựa game JRPG tuyệt đỉnh khác như Persona 3, 4, 5, tuy vậy, kỳ lạ thay, chúng không còn xuất hiện nhiều như trước nữa, và khi chúng ta lớn lên, chơi game dường như trở thành một “gánh nặng”, một thứ đơn thuần là “giết thời gian” chẳng hạn.
- Hoặc, có quá nhiều tựa game, quá nhiều sự lựa chọn, khiến chúng ta dễ dàng rơi vào trạng thái mất tập trung, nếu tựa game không đủ cuốn hút có lẽ khó lòng nào chúng ta có thể “cày” mãi được.
- Dẫu vậy, vượt qua muôn trùng rào cản, Final Fantasy một lần nữa đã khơi lại nguồn cảm xúc đó trong người viết, với tựa game mới nhất của mình: Final Fantasy XVI.
- Hãy cùng tìm hiểu về “nguồn cảm hứng” thân quen mà nhà anh Ô vuông (Square Enix) vừa mang lại, qua bài đánh giá sau đây!
BẠN SẼ THÍCH
“CHẤT FINAL FANTASY“
- Để mở đầu bài đánh giá này, người viết xin phép lạm bàn một chút về thứ gọi là “bản chất của Final Fantasy“, khi đây là một đề tài tương đối nóng hổi cả trước và sau khi Final Fantasy XVI ra mắt.
Vậy, theo bạn đọc, bản chất của Final Fantasy là gì?
- Có ý kiến cho rằng, bản chất của Final Fantasy là “game đánh theo lượt”. Thực tế thì theo lượt cũng có nhiều kiểu, cụ thể là theo lượt truyền thống kiểu Final Fantasy I, II, III, hay theo lượt kiểu ATB (Active Time Battle) với đội 4 người như Final Fantasy IV, V, VI, kiểu ATB ba người như VII, VIII, IX, CTB (Conditional Turn-Based Battle) như Final Fantasy X, Charge Time Battle như Final Fantasy Tactics, hay CSB (Command Synergy Battle) như Final Fantasy XIII?
- Bạn thấy đấy, khác với Dragon Quest, Final Fantasy là một dòng game không ngừng thay đổi, không ngừng cải tiến, với lối chơi liên tục được biến hóa qua từng phiên bản. Kể cả trong những phiên bản sử dụng ATB “nổi tiếng” hơn với game thủ Việt Nam như Final Fantasy VII và Final Fantasy VIII, thì hai tựa game lại sử dụng hai hệ thống phép thuật và limit break hoàn toàn khác nhau (và khác hẳn những bản ATB trước luôn).
- Một bên sử dụng materia, một bên sử dụng hệ thống GF và junction để tăng chỉ số. Một bên làm đầy thanh limit break là xài được tuyệt chiêu, một bên thì khả năng limit break tỉ lệ nghịch với HP. Một bên xài MP để dùng phép, một bên cần tìm quái để “hút” phép.
- Không chỉ dừng lại ở lối chơi, Final Fantasy còn liên tục cải tiến về bối cảnh: từ Trung cổ, steampunk, tới sci-fi tương lai gần, rồi tới sci-fi tương lai xa, rồi kết hợp cả Trung cổ với sci-fi, rồi lại quay về thời Trung cổ.
Final Fantasy XVI là một tựa game không thể nào “Final Fantasy” hơn được nữa!
Với những sự thay đổi liên tục người viết đã nhắc đến ở trên, thật khó để tìm ra một sự đồng thuận chung về thứ gọi là “bản chất của Final Fantasy“, nhưng người viết – bằng kinh nghiệm chơi game của mình – xin mạn phép liệt kê những thứ mà người viết cho rằng đại diện cho “chất Final Fantasy” nhé.
- Đó là một cốt truyện lôi cuốn và hấp dẫn khiến bạn không thể rời khỏi ghế.
- Đó là những khoảnh khắc bất ngờ và sốc trong mạch truyện, khiến bạn không thể không chơi tiếp để tìm hiểu diễn biến tiếp theo.
- Đó là những bản nhạc bất hủ khiến bạn phải nghe đi, nghe lại.
- Đó là một thế giới sinh động, đa dạng, có chiều sâu để bạn đắm chìm vào.
- Đó là những màn đánh quái trùm hấp dẫn, đủ khiến bạn “há hốc” và thở gấp khi chiến thắng.
- Đó là moogle, Cid, chocobo, crystal, quái vật triệu hồi khổng lồ, một đế quốc tàn ác, những thứ đã đi theo dòng game Final Fantasy từ thuở sơ khai.
- Và, nếu Final Fantasy XVI thực sự có thể đánh dấu đủ những điều trong danh sách trên, liệu đã xứng đáng để gọi Final Fantasy XVI là một tựa game “đậm chất Final Fantasy” hay chưa?
Ít nhất trong mắt người viết, Final Fantasy XVI là một tựa game không thể nào “Final Fantasy” hơn được nữa!
A SONG OF SHIVA AND IFRIT
- Final Fantasy XVI lấy bối cảnh một nơi tên là Valisthea, được chia làm hai lục địa: một bên tên là Ash, bên còn lại là Storm. Ash chỉ có một vương quốc duy nhất là vương quốc Waloed, còn Storm bao gồm nhiều quốc gia đấu đá nhau: Đế quốc Sanbreque, Công quốc Rosaria, Cộng hòa Dhalmekia, Iron Kingdom và Lãnh thổ tự trị Crystalline.
- Các vương quốc này liên tục gây chiến với nhau qua hàng trăm năm chỉ để giành quyền kiểm soát các Mothercrystal, những viên ngọc thạch khổng lồ nơi tập trung phần lớn “aether”, năng lượng sống của cả hành tinh.
- Không có sự bảo trợ của những viên Mothercrystal, các quốc gia sẽ nhanh chóng bị diệt vong vì một hiện tượng bí ẩn có tên là “Blight”. Blight quét tới đâu, toàn bộ vùng đất đó sẽ bị cạn sạch aether, nghĩa là không ngọn cây cỏ nào, không thú vật nào, và tất nhiên không có nhân loại nào có thể sống được ở vùng đất chết đó.
- Những mảnh tinh thể tràn ngập aether được khai thác từ những Mothercrystal cũng được sử dụng để thực hiện phép thuật thường ngày. Thực ra, loài người có một số người sinh ra đã có thể sử dụng phép thuật rồi, nhưng những người này ngay từ lúc lọt lòng đã bị “đánh dấu” (Branded), và trở thành thành phần hạ đẳng, nô lệ, sinh ra chỉ để làm công cụ, và thậm chí còn không bằng súc vật.
- Thế giới Valisthea còn tồn tại các thực thể siêu nhiên với tên gọi là “Eikons”, sở hữu sức mạnh khổng lồ và chết chóc. Những thực thể này tồn tại trong cơ thể một số cá nhân đặc biệt rải rác khắp thế giới, với tên gọi “Dominant”, và chỉ những người này có khả năng triệu hoán ra các Eikon.
- Những cá nhân này, một số thì được đưa vào tầng lớp quý tộc, số khác thì lại bị giam cầm, một số khác nữa thì bị sử dụng làm công cụ chiến tranh tàn ác.
- Một khi đã được Eikon lựa chọn và trở thành Dominant, những cá nhân này buộc phải tuân theo số mệnh đã được sắp đặt sẵn cho mình, mặc dù nó có tàn bạo tới đâu.
- Người chơi sẽ nhập vai Clive Rosfield, con trai trưởng của nhà Rosfield. Đáng lý cậu sẽ là người kế thừa ngôi vị Công tước của cha cậu, nhưng số phận đã lựa chọn em cậu, Joshua, làm Dominant của eikon Phoenix, và vì đó Joshua được lựa chọn làm người thừa kế, và Clive sẽ đảm nhận vị trí First Shield của Rosaria, người cận vệ trung thành cho Joshua.
- Chỉ chưa đầy một phút sau khi New Game, người viết đã được trải nghiệm trận chiến hoành tráng giữa Ifrit và Phoenix. Ngay sau đó là một phân cảnh cũng ấn tượng không kém, khi eikon Shiva và Titan đụng độ nhau giữa hàng ngàn binh lính đang chém giết sống chết trên chiến trường.
- Sau đó, người chơi được đưa về thời niên thiếu của Clive, quan sát và trải nghiệm sự kiện Phoenix Gate, nơi người chơi hiểu được ngọn nguồn câu chuyện…
- Hai tiếng mở đầu của Final Fantasy XVI có thể nói là hai tiếng mở đầu cuốn hút nhất mà người viết từng trải nghiệm, và thật may mắn, sự hưng phấn đó được kéo dài suốt… 50 giờ chơi, cho tới khi dòng chữ cuối cùng xuất hiện trên màn hình!
- Thế giới đang chiến tranh đấy, nhưng đừng nhầm, nhưng đây không phải là một game nhái Game of Thrones, tập trung vào đủ chiêu trò giữa các quốc gia, vào sự tranh giành quyền lực và thừa kế giữa các phe phái.
- Không, những yếu tố nặng mùi chính trị đó chỉ là một tấm nền, một bàn đạp, khi Final Fantasy XVI khéo léo lồng ghép những yếu tố đại cục vào “trận chiến riêng” của Clive, trong quá trình anh chàng tìm kiếm sự trả thù cho người em trai của mình, và dần dần khám phá ra những bí mật đen tối nhất của Valisthea.
Xuyên suốt tựa game, người chơi liên tục gặp câu hỏi: “Tự do là gì? Làm sao để sống bằng lựa chọn của chính mình?”
- Cốt truyện của Final Fantasy XVI tăm tối, máu me, chứa đầy những góc khuất của một xã hội đổ nát, đầy những pha “bẻ lái” ngoạn mục không dành cho những người yếu tim, đủ hấp dẫn để người viết một khi đã “vào guồng” là sẽ quên hết thời gian, quên hết những công việc cần làm, để đắm chìm trong hành trình của Clive Rosfield trên những nẻo đường dài.
- Mặc cho những sự tăm tối đó, cốt truyện của Final Fantasy XVI vẫn đầy ắp tình yêu thương, tình bạn sâu thắm, đầy ắp những hi vọng về tương lai tươi sáng, và trên hết, đó là câu chuyện của niềm tin mãnh liệt.
Cốt truyện của Final Fantasy XVI tăm tối, máu me, chứa đầy những góc khuất của một xã hội đổ nát, đầy những pha “bẻ lái” ngoạn mục không dành cho những người yếu tim
- Hai giờ sáng, người viết vẫn đang đồng hành cùng Clive “tả xung hữu đột” những chú Chocobo hoang dã đáng thương, chạy tới điểm đánh dấu nhiệm vụ (quest marker) đỏ chót ở phương xa, tự nhủ “chỉ một phân cảnh nữa thôi…”.
- Và khi dòng chữ hết game hiện lên, người viết đã trải nghiệm được một chuỗi cảm giác bồi hồi, tiếc nuối, cảm giác trống rỗng khi kết thúc một biên niên sử, một cảm giác mà người viết đã từ khá lâu không còn được cảm nhận…
- Nhân tiện, bạn đọc nhớ chú ý làm những chuỗi nhiệm vụ phụ nhé! Mặc dù chúng không hẳn là thú vị hay độc đáo (chủ yếu là đi thu thập vật phẩm hoặc giết quái), nhưng có nhiều nhiệm vụ phụ có tuyến cốt truyện rất hấp dẫn, mở rộng thêm về thế giới của Valisthea, về con người nơi đây, về cuộc đấu tranh thầm lặng của những Branded, và đặc biệt về những người bạn đồng hành của Clive Rosfield.
ĐỒ HỌA, ÂM NHẠC SIÊU PHẨM!
Với một cốt truyện hấp dẫn như vậy, Final Fantasy XVI lại còn được “tăng sát thương” bằng một nền đồ họa thực sự tân tiến.
- Hồi còn nhỏ, khi chơi Final Fantasy VII và VIII, người viết đã thực sự ấn tượng với những đoạn phim CGI (Computer-Generated Imagery – hình ảnh dựng sẵn bởi máy tính) trong game, và chỉ mong ngày nào đó có thể chơi một tựa game Final Fantasy đẹp như những đoạn CGI này.
- Final Fantasy XIII đã đạt một bước đột phá về đồ họa khi đồ hoạ trong game đã “gần” bằng đồ hoạ trong các đoạn phim CGI. Final Fantasy XV và Final Fantasy VII Remake lại càng đẩy giới hạn đồ họa lên tới mức đỉnh cao, tuy nhiên vẫn có một sự “vênh” khá dễ nhận ra giữa các phân cảnh CGI và cảnh trong game.
- Tới Final Fantasy XVI, khoảng cách đó đã bị xóa nhòa hoàn toàn! Xuyên suốt tựa game, Final Fantasy XVI hầu như không sử dụng bất kỳ một đoạn CGI nào, mà thế giới vẫn đẹp đẽ mê ly như được dựng từ phim vậy.
- Những cánh đồng lúa mì trải dài tít tắp, những hồ nước lấp lánh sóng phản chiếu ánh hoàng hôn nhè nhẹ. Người viết không dưới chục lần dừng lại chỉ để… chụp ảnh và ngắm cảnh, nghiên cứu những thảm thực vật trong rừng rậm, quan sát những đụn cát vút tầm mắt, những thác nước hùng vĩ…
- Rồi tới những trận chiến Eikon vs Eikon. Chúng hoành tráng, bùng nổ và phi thường!
- Bình thường trong những Final Fantasy trước, mấy Eikon này (hay còn gọi là Summon, Esper, Guardian Force, v.v.) thường chỉ là gọi ra một lần, nhả một kỹ năng gì đấy rất khủng, rồi… bay đi như chưa từng có gì xảy ra.
- Trong Final Fantasy XVI, bạn sẽ được trực tiếp trải nghiệm những trận chiến “long trời lở đất” giữa các vị thần hùng mạnh. Không chỉ là những đoạn cắt cảnh dài dằng dặc, người chơi sẽ cảm nhận được từng cú đấm của Titan, từng nhát cào của Garuda, từng… ấy, dừng ở đây thôi nhé không thì chúng ta “spoil” mất cái hay của game!
- Đi kèm với đó, chúng ta có nhà soạn nhạc tài năng Masayoshi Soken, người đã thực sự “cháy” hết mình để tạo nên những bản nhạc cực kỳ “chất”, cực kỳ hợp cho từng khung cảnh, từng trận chiến, khiến người viết nghe đi, nghe lại không thấy chán.
- Chất lượng lồng tiếng bằng tiếng Anh cũng là rất tốt, có lẽ là tốt nhất trong toàn bộ dòng game Final Fantasy, với những cảm xúc và biểu cảm của nhân vật được truyền đạt vô cùng rõ nét và đáng tin.
Final Fantasy XVI hầu như không sử dụng bất kỳ một đoạn CGI nào, mà thế giới vẫn đẹp đẽ mê ly như được dựng từ phim vậy
“DEVIL MAY FANTASY”?
- Final Fantasy XVI đánh dấu sự chuyển tiếp hoàn toàn của dòng game Final Fantasy sang thể loại chiến đấu hành động thời gian thực hoàn toàn.
- Về mặt con người thì Clive có bộ kỹ năng khá đơn giản: né, tấn công, né gạt (parry), nhưng Clive có khả năng sử dụng 3 eikon, kèm với một những kỹ năng đa dạng có thể tùy chỉnh rất thoải mái, tạo nên một sự tự do lớn cho người chơi để thử nghiệm nhiều loại kết hợp khác nhau.
- Mỗi eikon sẽ có một “feat” riêng, như Garuda có feat là kéo quái vật cỡ nhỏ lại gần, hoặc kéo gục quái to hơn khi chúng bị “choáng nhẹ” (hết nửa thanh stagger), hoặc Titan có feat là chặn hoàn toàn những đòn tấn công của địch, và có thể trở thành phản công nếu chặn đúng lúc.
- Ngoài ra, mỗi eikon cũng sẽ có các kỹ năng khác nhau phục vụ cho các mục đích khác nhau. Bình thường thì các kỹ năng này chỉ gắn được vào đúng eikon, nhưng nếu người chơi bỏ đủ điểm Ability Point vào và “master” (thuần thục) kỹ năng đó, nó có thể được gắn vào bất kỳ eikon nào người chơi muốn, giúp người chơi thoải mái xây dựng bộ eikon và kỹ năng mình muốn.
- Không thích bộ kỹ năng này? Người chơi hoàn toàn có thể yêu cầu hệ thống “hoàn trả” lại Ability Point để nâng cấp kỹ năng khác, giúp người chơi tha hồ thử nghiệm những bộ eikon và kỹ năng mới.
- Tuy vậy, phải nói tựa game bắt đầu khá chậm vì có quá ít kỹ năng và eikon. Phải tới khi người chơi nhận được eikon thứ ba, tiềm năng của Final Fantasy XVI mới bộc lộ hoàn toàn, và người viết có thể đắm chìm hàng giờ trong Arete Stone – khu vực mô phỏng của game – để thử nghiệm những combo mà người viết nghĩ ra, hoặc mới… học mót ở đâu đó trên mạng.
- Thoạt nhìn, chiến đấu với quái trong Final Fantasy XVI có vẻ khá chậm chạp, nhưng càng về sau, cùng với bộ kỹ năng của Clive được mở rộng, những quái trùm cũng sẽ bắt đầu “tăng tốc”, chiến đấu nhanh hơn, kỹ năng dị hơn, đòi hỏi người chơi phải tập trung cao độ để né, đỡ đòn, phản công.
- Game xoay quanh hệ thống “stagger”, khi trong hầu hết các trận chiến quái trùm, nhiệm vụ của người chơi là bào mòn dần thanh stagger của quái trùm, tới khi quái trùm gục thì “xả” hết kỹ năng mạnh nhất lên hắn ta.
- Kết hợp lại, chúng ta có một cơ chế chiến đấu có chiều sâu, dễ nắm bắt nhưng khó thành thạo, nhưng một khi bạn đã tìm được một bộ kỹ năng ưng ý, chiến đấu trở nên cực kỳ nhanh, mãn nhãn và lôi cuốn.
- Phụ trợ cho cơ chế chiến đấu này là những màn “vũ đạo” hết sức ấn tượng của các kỹ năng, kèm với đó là nền âm nhạc tuyệt vời đã được nhắc đến ở trên, khiến cho mỗi trận đấu quái trùm cảm giác như những trận chiến anime hấp dẫn vậy.
- Người viết có lần thực hiện được chuỗi hành động sau (tên quái đã được che đi để đảm bảo chống “spoiler”). Sau khi “đốt cháy” boss bằng Flames of Rebirth, người viết chặn thành công bước một tấn công của boss bằng Raging Fist, trả đũa bằng một loạt đòn “muda muda muda”, sau đó tiếp tục đỡ thành công đòn tấn công bước hai, màn hình chậm lại một cách đầy nghệ thuật, và boss ăn trọn một cú Windup toàn lực vào mặt.
một khi bạn đã tìm được một bộ kỹ năng ưng ý, chiến đấu trở nên cực kỳ nhanh, mãn nhãn và lôi cuốn
- Mặc dù chẳng phải là combo gì hết, và cũng chẳng tới nỗi cầu kỳ lắm, nhưng nhờ những kỹ năng rất điện ảnh, và nhạc nền vô cùng phấn khích, người viết bỗng nhớ lại: đây chẳng là những gì mình thầm tưởng tượng trong đầu gần 20 năm về trước sao, khi Final Fantasy vẫn còn đánh theo lượt? Khi cầm Terra, Celes, Locke và Shadow chiến đấu với Kefka, chẳng phải trong đầu mình đã tưởng tượng ra Terra bay lượn ra sao, bắn phép như thế nào sao? Hay khi cùng Tifa, Cloud và Yuffie đấm nhau với Sephiroth, người viết không thể không tưởng tượng những pha “trao đổi chiêu thức” giữa Sephiroth và Cloud (mà đã được hiện thực hoá trong Advent Children).
- Đó là một cảm xúc khó mô tả thành lời, giống một giấc mơ đã thành hiện thực. Và chắc chắn khi chơi Final Fantasy XVI, bạn sẽ gặp được rất nhiều khoảnh khắc “nghệ” như vậy, khiến người chơi không khỏi thỏa mãn.
- Nhắc tới những khoảnh khắc “nghệ”, không thể không nhắc lại lần nữa tới những trận chiến Eikon vs Eikon. Ngoài việc hình, âm mỹ mãn ra, mỗi trận chiến cũng sẽ vô cùng khác biệt.
- Để tránh “spoil” (bật mí) quá nhiều, người viết sẽ chỉ nói những trận chiến này không chỉ “một màu”, và cũng không phải chỉ toàn là cắt cảnh kèm Quick Time Event (nhấn nút theo ngữ cảnh), mang lại những trải nghiệm đa dạng, hoành tráng, khiến người chơi trầm trồ, mà người viết nghĩ thật khó có thể diễn tả hết được quy mô “khủng” của chúng nếu Final Fantasy XVI lựa chọn lối chơi đánh theo lượt.
- Nói tóm lại, Final Fantasy XVI sở hữu một lối chơi hành động đa dạng, tự do, có chiều sâu, cùng với đó là chiến đấu thoạt đầu nhìn chậm chạp nhưng càng về sau càng tốc độ, hứa hẹn đem lại trải nghiệm lôi cuốn cho game thủ.
NHỮNG CẢI TIẾN HỢP THỜI ĐẠI
- Ngoài ra, Final Fantasy XVI đem lại rất nhiều cải tiến hữu ích mà người viết vô cùng muốn có trong các tựa game JRPG ngoài kia, với khối lượng cốt truyện, tên người, địa danh đồ sộ của mình.
- Một trong số đó là hệ thống Active Time Lore. Bất cứ lúc nào, bạn có thể giữ trackpad để mở ra hệ thống ATL, trong đó có chứa những thông tin liên quan tới cuộc trò chuyện đang diễn ra, một số giản lược của các địa điểm, nhân vật, sự kiện được nhắc đến, giúp cho người chơi ngay lập tức nắm được thông tin, chứ không bị kiểu “à, ờ, ai đấy nhỉ, tôi là ai, đây là đâu”.
- Tiếp đó, khi ở hang ổ trú ẩn của mình, Clive có thể tới gặp Vivian Ninetales, một học giả uyên bác, và cô sẽ mô tả cho Clive tình hình của toàn bộ thế giới, cũng như một bản đồ mối liên hệ giữa các nhân vật với một dòng thời gian đầy đủ.
- Những cải tiến này giúp người chơi không bị choáng và ngộp thở giữa thế giới Valisthea rộng lớn, và kể cả bạn có việc bận đi vài tháng, sau khi trở lại bạn vẫn có thể nhớ lại ngay những tình tiết trước đó của Final Fantasy XVI và chơi tiếp, thay vì đi lại từ đầu.
- Ngoài ra, thay vì có các chế độ “Dễ”, “Trung bình”, “Khó” như bình thường, Final Fantasy XVI lại cho phép người chơi điều chỉnh độ khó bằng các trang sức đặc biệt mà họ có thể tháo ra lắp vào bất cứ lúc nào.
- Chẳng hạn, người chơi không quen tránh né game hành động có thể đeo “Ring of Timely Focus”. Lúc này, khi kẻ địch tấn công tới, thay vì phải né bằng phản xạ trong thời gian thực như bình thường, thời gian sẽ ngưng đọng lại, và người chơi chỉ cần bấm nút R1 là có thể né được đòn đánh.
- Hoặc “Ring of Timely Strikes”, người chơi giờ đây chỉ cần bấm đúng… một nút là game sẽ tự động thực hiện toàn bộ chuỗi combo, xoay vòng các eikon, lo liệu luôn cả các QTE (Quick Time Event) xuất hiện trên màn hình.
- Người chơi nào “lười” nữa thì có thể sử dụng “Ring of Timely Evasion”, game sẽ tự động né mọi đòn tấn công mà không cần bấm nút luôn! Việc phối hợp các trang sức hỗ trợ này tùy theo ý người chơi sẽ giúp bất kỳ ai, dù họ có hay hay dở tới đâu, cũng có thể trải nghiệm Final Fantasy XVI một cách thoải mái.
- Và người chơi nào chỉ muốn trải nghiệm cốt truyện, có thể bật “Story Focused Mode” ngay từ đầu, trang bị toàn bộ trang sức hỗ trợ, và họ chỉ cần tập trung thưởng thức cốt truyện mà thôi.
- Tính năng haptic của tay cầm DualSense cũng đã được vận dụng hết cỡ, người chơi có thể trực tiếp cảm nhận những cú va chạm kinh thiên động địa giữa những eikon, hoặc những tiếng bước chân trong một căn hầm ngục tối tăm, hoặc những tiếng sấm sét xa gần ngoài cửa sổ, tăng phần nhập tâm cho trải nghiệm.
Final Fantasy XVI đem lại rất nhiều cải tiến hữu ích mà người viết vô cùng muốn có trong các tựa game JRPG ngoài kia, với khối lượng cốt truyện, tên người, địa danh đồ sộ của mình
BẠN SẼ GHÉT
KHÔNG HOÀN HẢO!
- Nếu bạn đọc đã đọc qua đánh giá Final Fantasy XIV: Endwalker, thì có thể thấy đội ngũ Creative Business Unit III thường xuyên mắc phải vấn đề nhịp truyện.
- Có thể đây là một sự chủ động trong thiết kế? Sau mỗi trận chiến nảy lửa và cam go, người chơi cần phải được xả hơi và đi làm nhiệm vụ phụ hay gì đó? Người viết cũng không rõ nữa, nhưng cũng không chỉ một lần, sau một trận chiến cực kỳ hấp dẫn, và cốt truyện đang tiến tới việc khám phá ra một thứ gì đó “khủng khiếp”, thì người viết lại phải… hãm lại và đi giúp đỡ người này người kia, trong những nhiệm vụ khá dài và nhàm chán.
Sự thiếu hụt trong cơ chế RPG này có thể sẽ không làm hài lòng một số người, nhất là những người hâm mộ lối đánh theo lượt thuở xưa của tựa game
- Cũng may, việc này không xảy ra thường xuyên như Endwalker, và về căn bản chúng không ảnh hưởng quá lớn đến trải nghiệm cốt truyện của người chơi.
- Tuy nhiên, một vấn đề khác là cơ chế đồ của tựa game là hơi… quá mỏng. Clive chỉ có thể trang bị 1 kiếm, 1 đai lưng, 1 bao tay, 3 trang sức, trong đó kiếm, đai lưng và bao tay chỉ đơn thuần là cộng chỉ số, đồ tím chỉ số cùi thì cũng không bằng đồ trắng chỉ số cao.
- Người viết đã khá thất vọng khi vừa mới đúc được thanh kiếm thuộc cấp “tím” với cái tên khá xịn sò: Flametongue (một thanh kiếm khá phổ biến trong dòng Final Fantasy, chủ yếu mang nguyên tố lửa, dùng để đi đánh mấy con quái hệ băng), nhưng chỉ đúng 2 phút sau, cửa hàng bán ra thanh kiếm cấp “trắng” (cùi nhất) nhưng lại… xịn hơn!? Mặc dù chỉ xịn hơn có 5 ATK, nhưng người viết chẳng có lý do gì để dùng Flametongue, vì game này làm gì có nguyên tố đâu?
- Vật phẩm hồi phục cũng giới hạn ở Potion, High Potion và Elixir (đi kèm một số đồ tăng sức mạnh), vì game không hề có hiệu ứng xấu như các trò chơi khác. Sự thiếu hụt trong cơ chế RPG này có thể sẽ không làm hài lòng một số người, nhất là những người hâm mộ lối đánh theo lượt thuở xưa của tựa game.
FPS Ở CHẾ ĐỘ PERFORMANCE KHÔNG ỔN ĐỊNH!
- Thoạt đầu người viết định chơi ở chế độ Performance (trong game gọi là chế độ Frame Rate) để trải nghiệm “những trận chiến 60 FPS”, nhưng nhanh chóng nhận ra đây là một ý tưởng khá tồi.
- Về căn bản, trong chiến đấu thì FPS khá ổn định, nhưng ra ngoài khám phá thì FPS liên tục trồi sụt, thậm chí có lúc xuống dưới 25 FPS. Kèm với đó là hiệu ứng mờ chuyển động (motion blur) khiến cho người viết bị… chóng mặt, và phải nhanh chóng đổi sang chế độ Quality, và chấp nhận chơi game ở mức 30 FPS xuyên suốt tựa game.
- Đội ngũ Creative Business Unit III đã hứa tung ra một bản vá để nâng hiệu suất và cho khả năng tắt hiệu ứng mờ chuyển động, do đó chúng ta sẽ cần chờ thêm ít lâu, hoặc đợi phiên bản PC nếu muốn trải nghiệm tựa game một cách mượt mà. Trong chiến đấu thì FPS khá ổn định, nhưng ra ngoài khám phá thì FPS liên tục trồi sụt, thậm chí có lúc xuống dưới 25 FPS
- Final Fantasy XVI không hoàn hảo, chắc chắn là như vậy.
- Tuy nhiên, với một cốt truyện lôi cuốn, lối chơi hấp dẫn, nền đồ hoạ và âm thanh tuyệt đỉnh, Final Fantasy XVI đánh dấu một bước chuyển mình đầy mạnh mẽ của một dòng game huyền thoại, đánh tan những nghi ngờ về sự đi xuống của Final Fantasy, và khơi lại cho người chơi những cảm giác bồi hồi xưa cũ.
- Do vậy, một số điểm tuyệt đối là phù hợp với những nỗ lực của Square Enix và Creative Business Unit III, và người viết không khỏi mong chờ con số tiếp theo sẽ đem lại những bất ngờ gì.
Vietgame.asia