EA Sports FC 24 – Đánh Giá Game
EA Sports FC 24 – Dù thời thế đổi thay, “tre già măng mọc”, huyền thoại ra đi nhường sân chơi lại cho những tân binh mới tỏa sáng thì vẫn cứ đúng hẹn là lại lên, hàng năm sức hút của các tựa game đá bóng vẫn chưa bao giờ là hết “hot” đối với làng hâm mộ bộ môn túc cầu trên toàn thế giới.
- Nhưng nếu cái tên PES (Pro Evolution Soccer) vốn từng rất quen thuộc với anh em game thủ Việt Nam đã nói lời tạm biệt từ năm 2019, để chính thức chuyển sang cái tên “eFootball” thì năm nay chúng ta cũng sẽ không còn được nhìn thấy những tựa game mang thương hiệu “FIFA” ngày nào nữa, mà thay vào đó sẽ là EA SPORTS FC, bắt đầu từ EA SPORTS FC 24.
- Lý do là vì công ty chủ quản EA đã kết thúc hợp đồng với Liên đoàn Bóng đá Quốc tế – FIFA từ cuối năm 2022 và buộc phải đổi tên một trong những dòng game bán chạy nhất mọi thời đại của họ (có tổng doanh số bán hơn 325 triệu đơn vị – theo Wiki) với thâm niên trải dài tới tận gần 30 năm (1993-2022) với FIFA 23 là phiên bản cuối cùng còn được mang tên này.
- Tuy thế, hãng cũng không quên trấn an các fan rằng dù đổi tên nhưng bản quyền mọi thứ tấn tần tật bên trong game từ cầu thủ, đội bóng, sân vận động cho đến các giải đấu không những được bảo toàn, mà thậm chí là còn bổ sung thêm những giải đấu mới như Liga F, Frauen-Bundesliga hay lễ trao giải “Quả Bóng vàng” Ballon d’Or huyền thoại cho người chơi lần đầu trải nghiệm.
- Vậy hãy cùng chúng tôi bước vào sân tìm hiểu xem EA SPORTS FC 24 có mang tới những thay đổi gì đặc biệt và xứng đáng kế thừa cái tên “FIFA” hay không nhé!
"Xin lưu ý, người viết trải nghiệm tựa game hoàn toàn trên PS5, rất nhiều chi tiết sẽ bị lược bỏ đi ở các hệ máy đời trước như PS4 và Xbox One. "
BẠN SẼ THÍCH
DIỆN MẠO MỚI!
- Ngay từ ánh nhìn đầu tiên vào bìa đĩa game, ta đã thấy EA SPORTS FC 24 mang đến sự thay đổi lớn không chỉ về thương hiệu mà còn ở hình ảnh đại diện, khi Mbappe đã được thay thế bằng siêu sao Erling Haaland trong bộ trang phục đặc trưng của câu lạc bộ Manchester City.
- Ngay cả phần bìa phiên bản Ultimate Edition cũng “giấu” luôn Mbappe trong đội hình tiêu biểu Iconic, có lẽ sau những lùm xùm liên tiếp với câu lạc bộ PSG và Liên đoàn Bóng đá Pháp thì EA cũng không còn mặn mà hợp tác với “cậu bé vàng” ngày nào nữa.
- Điều này đồng nghĩa với các chiến dịch quảng bá game đã chuyển trọng tâm vào từng “chân tơ kẽ tóc” của anh chàng Erling Haaland, “nhấn nhá” từ cái cách chạy đà vung tay “ngổ ngáo”, động tác đạp bóng ghi bàn trên không cho đến việc dành hẳn cả một đoạn trailer hóm hỉnh để tôn vinh những thành tựu của cầu thủ này.
- Và nhờ công nghệ trích xuất chuyển động (mocap) thế hệ thứ ba với tên gọi Hypermotion V được cải tiến vượt bậc, không chỉ giúp game truyền tải nhuần nhuyễn các cử chỉ hành động của những ngôi sao như Haaland từ bên ngoài vào trong sân cỏ ảo, mà còn góp phần phát huy sức mạnh của nền tảng engine Frostbite, mang lại những trải nghiệm gần gũi với đời thực hơn.
- Cụ thể là dù mô hình (model) một số cầu thủ không thay đổi gì đáng kể nhưng chất lượng ánh sáng, bóng đổ được nâng cấp trong EA SPORTS FC 24 bù đắp lại phần nào, giúp “tôn” sắc diện mạo của họ hơn so với các phiên bản trước.
"EA SPORTS FC 24 cũng “tút” lại gần như toàn bộ giao diện và trải nghiệm người dùng (UI/UX)"
- Các hiệu ứng vật lý từ biên độ hạt mưa, bề mặt sân cỏ, cho đến các chi tiết nhỏ như lực đàn hồi của quả bóng, độ rung mành lưới hay giả lập nếp nhăn quần áo, chuyển động tóc cầu thủ cũng đều được thể hiện khá chính xác.
- Đi kèm đó là rất nhiều hoạt cảnh (cinematic) hoàn toàn mới như những hậu cảnh thú vị bên trong các sân vận động nổi tiếng, hình ảnh các cổ động viên hoạt náo trước quầy vé, khu vực báo chí tấp nập cánh phóng viên, huấn luyện viên hai đội giao lưu trò chuyện trong đường hầm hay không khí căng thẳng của phòng thay đồ ngay trước “giờ G” hoặc đơn thuần hơn là cảm giác được hòa mình “chìm đắm” vào những giai điệu vịnh xướng vang vọng khắp khán đài của những trận cầu Derby kinh điển.
- Nếu tham gia hai chế độ Career Mode, bạn còn có dịp thưởng thức những đoạn phim độc đáo tái hiện sống động sự kiện trao giải “Quả Bóng vàng” Ballon d’Or, hay cảnh hò reo ăn mừng của các cầu thủ cầm cúp đi diễu hành khắp mọi phố phường trên xe buýt mỗi khi người chơi “xưng vương” ở cuối các mùa giải lớn.
- EA SPORTS FC 24 cũng “tút” lại gần như toàn bộ giao diện và trải nghiệm người dùng (UI/UX) với các thanh trình đơn (menu) thay đổi thành dạng chữ, các cầu thủ có thêm các tiết mục trình diễn “múa may” ngoài cửa sổ chính còn trọng tài mỗi khi rút thẻ trong sân có thể tự chuyển qua góc nhìn thứ nhất (1st person POV) khá độc đáo!
NHỮNG THAY ĐỔI “ĐÁNG TIỀN
- Thay đổi lớn nhất trong lối chơi EA SPORTS FC 24 chính là PlayStyle, một biểu tượng nhỏ đi kèm một số cầu thủ tiêu biểu được hãng game lựa chọn sau khi tổng hợp dữ liệu từ nền tảng đo đạc Opta Sports mà bạn có thể hình dung chúng như một dạng “buff nội tại”, na ná thuộc tính Traits ở các phần trước.
- Tất cả PlayStyle được gộp chung vào 6 nhóm tính năng chính bao gồm Scoring (Săn bàn), Passing (Chuyền bóng), Ball Control (Điều khiển bóng), Defending (Phòng ngự), Physical (Thể chất), Goalkeeper (Thủ môn) với mỗi loại sẽ có một phiên bản cao cấp hơn gọi là PlayStyle+ có biểu tượng màu vàng đặc trưng (bình thường là màu trắng).
- Giả dụ như một cầu thủ với PlayStyle Finesse Shot sẽ có khả năng “cứa lòng” với tỷ lệ chính xác cao hơn đáng kể so với bình thường mà nếu có thêm dấu “+” thì mức độ này sẽ càng tăng thêm nữa, chưa kể một số PlayStyle đặc biệt khác như Dead Ball còn giúp hiển thị đường cong quỹ đạo của quả bóng rõ ràng, giúp người chơi dễ canh hơn khi thực hiện các quả đá phạt.
- Chính nhờ thế mà các cầu thủ giờ đây mang nhiều nét đặc trưng, cá tính hơn chứ chứ không chỉ còn là hơn thua nhau qua từng điểm chỉ số nữa.
- Tính năng bức tốc AcceleRATE từ FIFA 23 cũng được thay thế bằng Controlled Sprint giúp thoát pressing vừa dễ dàng, vừa hiệu quả khi người chơi chỉ cần nhấp nhẹ nút R1 (trên PS5) khi đang chạy thì cầu thủ sẽ vừa dốc bóng vừa tự ngoặt sang một hướng khác (tương ứng với hướng cần gạt analog) đánh lừa đối phương một cách dễ dàng, thay vì cứ phải nhớ và thông thạo những tổ hợp nút kỹ năng (skill move) như trước.
- Một trải nghiệm mà người viết rất ấn tượng là khi điều khiển Vinicius Junior bức tốc “xé toạc” cánh trái của đội bạn hay “cầm” Jack Grealish dốc bóng một cách thanh thoát, nhẹ nhàng qua hàng tá cầu thủ hậu vệ rất “phê” mà không cần phải đảo chân “vẽ” ra một động tác cầu kỳ nào khi qua người.
- Phần Training Drill (các buổi tập huấn) trong chế độ Manager Career cũng được loại bỏ giúp người chơi không cần tốn nhiều thời gian “dợt” lại cả đội hình mỗi lần tạo mùa giải mới.
- Thay vào đó, ta chỉ cần vào một tùy chỉnh gọi là Training Plan để thiết lập sự tương quan giữa điểm rơi phong độ (Sharpness) với mức thể lực (Fitness), ví dụ mức “All-out Performance” để các cầu thủ thường xuyên trên băng ghế dự bị không bị tụt hậu còn “Energy-Focused” thì giúp các cầu thủ “cày ải” quá nhiều nghỉ ngơi mau chóng bình phục.
- Manager Career còn ra mắt thêm cài đặt Tactical Vision giúp bố trí chiến thuật tổng quát và phát triển đội hình theo phong cách của những huấn luyện viên đương đại như lối chơi “phản công tổng lực Gegenpressing” mà Jürgen Klopp đang áp dụng hay trường phái kiểm soát, phối hợp ngắn “Tiki-Taka” đình đám của Pep Guardiola.
- FUT (Fifa Ultimate Team) trong EA SPORTS FC 24, nay đã đổi tên thành UT (Ultimate Team) cũng là một bước ngoặt lớn khi đánh dấu lần đầu tiên người chơi có thể sử dụng trực tiếp hay phối hợp thẻ bài các cầu thủ nữ vào trong đội hình, để tham gia vào hầu hết các chế độ đá hoặc cả những sự kiện đặc biệt như TOTW (Team Of The Week), RTTK (Road to the Knockouts).
- Điều này cũng dẫn đến vài tình huống “dở khóc, dở cười” như thẻ bài của cô nàng Sam Kerr lại có chỉ số thể trạng… cao hơn đáng kể “ông hoàng phòng gym” CR7, hay những cầu thủ nữ có thể trạng… khiêm tốn lại đủ sức cặp kè tranh chấp bóng với những ông “bò mộng” như Adama Traore.
- Bù lại thì các fan của chế độ này sẽ rất vui khi có một tính năng Evolution mới được bổ sung giúp nâng cấp cầu thủ, không chỉ điểm số mà còn là thay đổi các họa tiết, màu sắc của các lá bài mà quan trọng là nó hoàn toàn… miễn phí, nghĩa là chỉ cần chịu khó “cày cuốc” các thử thách (Challenge) trong UT một chút thì các thẻ bài của bạn sẽ “cá chép hóa rồng” theo đúng nghĩa mà không hề tốn một xu nào cả!
- Tuy nhiên tất cả những ấn tượng kể trên đều chỉ là “mặt nổi” của EA SPORTS FC 24, chúng quả thật có phần thú vị và ấn tượng đấy, nhưng sau khi những thiện cảm ban đầu dần trôi qua thì “phần chìm” vốn nằm sâu trong những giá trị cốt lõi của tựa game dần bộc lộ ra rất nhiều điểm yếu…
"Thay đổi lớn nhất trong lối chơi EA SPORTS FC 24 chính là PlayStyle"
BẠN SẼ GHÉT
“VŨ NHƯ CẨN”
- Nếu bạn trung thành với những chế độ chơi đơn truyền thống và dành phần lớn thời lượng để đá với máy như người viết sẽ rất nhanh chóng nhận ra EA SPORTS FC 24 vẫn còn tồn đọng rất nhiều vấn đề nan giải từ các phiên bản trước.
- Đầu tiên, phải kể đến AI do máy điều khiển thật sự là một bước “cải lùi” tệ hại, nhất là ở khâu phòng ngự, đến mức sẽ không ngoa nếu xếp AI hàng thủ năm nay vào bảng xếp hạng những AI “đần độn” nhất trong lịch sử game của EA.
- Với độ khó Legendary, không thể kể xiết bao nhiêu lần người viết phải “điên đầu” nhìn dàn hậu vệ của mình lóng nga, lóng ngóng như những “gã hề” hay thậm chí còn “đứng đực” ra nhìn đối phương tiếp cận vào vùng cấm một cách dễ dàng, hay quả bóng đã bật tới rất gần vị trí đang đứng nhưng chúng vẫn cứ… chạy tàng tàng lại đón như đang đi dạo.
- Một lần khác, hậu vệ bám đuổi theo kèm chặt tiền đạo đối phương thì tự nhiên “dở chứng”… ngoặt người theo hướng khác, người viết bấm nút chiếm quyền điều khiển ngay thì cũng đã bị lỡ mất một nhịp và không thể lấp kịp khoảng trống “chết người” trước cầu môn!
- Khi hiệu chỉnh lại cách thức chuyển quyền điều khiển (switching) qua tiệm cận bóng (Ball Relative), cận người (Player Relative) hay cả đổi qua lại các chế độ Legacy, Advanced với Tactical Defending cũng không thấy khá khẩm hơn là mấy.
- Ở chiều ngược lại thì AI hàng công của máy vẫn là những “cỗ máy săn bàn” theo đúng nghĩa đen, thỉnh thoảng bỗng chốc… “lên đồng” sau khi bị dẫn bàn, rê dắt, chuyền ngắn và chọc khe thẳng vào trung lộ với tốc độ… chóng mặt và hầu như chúng cũng không hề có khái niệm chồng biên, tạt cánh hay đánh đầu gì cả.
- Nhiều lúc chỉ với một nhịp dốc bóng từ chân những tiền đạo “xoàng xoàng” như Martial cũng sẽ dễ dàng cho hàng thủ của người chơi… hít khói, và chúng cũng dễ dàng ghi bàn ở những tình huống cực kỳ khó như xoay ngoặc lưng 180 độ hướng về khung thành hay “nã” những quả đạn pháo tầm xa với cự ly hơn 30 mét dẫn đến các bàn thua vừa gây ức chế, vừa phi thực tế cho người viết (và có lẽ bạn cũng vậy).
- Rồi tuy hãng EA quảng bá rất nhiều về các thuật toán “học máy” (machine learning) vốn giúp trí thông minh nhân tạo trong game ngày càng “khôn” hơn nhưng thủ môn trong EA SPORTS FC 24 thì còn… “ngáo” hơn cả bản trước với nhiều pha xử lý “đi vào lòng đất”, đội bạn chỉ cần làm vài đường ban bật trước vòng cấm thì cả tới Thibaut Courtois hay Alisson cũng dễ dàng… vào lưới nhặt bóng!
- Chuyển động (animation) khi đảo chân và tắc bóng của các cầu thủ trên sân cũng còn đôi lúc còn sượng, có cảm giác quả bóng như lúc nào cũng bị dính vào chân chứ chưa được mềm mại như eFootball.
"AI do máy điều khiển thật sự là một bước “cải lùi” tệ hại, nhất là ở khâu phòng ngự, đến mức sẽ không ngoa nếu xếp AI hàng thủ năm nay vào bảng xếp hạng những AI “đần độn” nhất trong lịch sử game của EA"
“CON CƯNG – CON GHẺ”
- Dẫu biết chế độ UT từ bấy lâu vẫn là “gà cưng đẻ trứng vàng” và là trọng tâm định hướng phát triển của EA nhưng người viết chưa từng thấy các chế độ (Mode) khác bị hãng bỏ bê đến mức… hết sức “te tua” như năm nay!
- Có thể kể đến như Player Manager vẫn còn tồn tại những yêu cầu “trời ơi đất hỡi” nếu người chơi muốn gia hạn hợp đồng với các đội bóng lớn như phải ghi tới tối thiểu… 32 bàn trong một mùa giải, hay phải có ít nhất 3 bàn ghi được từ động tác siêu khó… “ngả bàn đèn” (bicycle kick).
- Manager Career thì ít thay đổi đáng kể mà còn “đẻ” ra thêm nhiều lỗi vụn vặt như vài gương mặt huấn luyện viên bỗng dưng bị… xóa khỏi game như Ten Hag hay Vincent Kompany, lỗi phông chữ nhảy loạn xạ trong trình đơn (menu), chuyển nhượng cầu thủ “tứ tung”, cầu thủ thỉnh thoảng bị… tàng hình, còn góc nhìn Tactical mới từ vị trí ngoài đường pitch lại khá thừa thãi vì luôn bị cản trở tầm nhìn mà lại không “nhúc nhích” gì được!
- Mà nói đâu xa, ngay cả tới “con cưng” UT cũng phải khiến nhiều người ngán ngẩm khi game chưa ra mắt mà hãng đã… chào bán một gói (pack) thẻ bài trị giá 30USD, giúp những ai chịu “móc hầu bao” có ngay những thẻ bài với điểm số hơn 80 mang tới rất nhiều lợi thế ban đầu.
- Với mức giá lên tới 70USD cho bản Standard và 100USD bản Ultimate thì việc EA càng lúc càng đẩy mạnh “microtransaction” vào game thật sự là một điều rất khó để… nuốt trôi!
- Có lẽ, đã đến lúc EA cần thật sự phải cân nhắc đến việc phát hành game theo chu kỳ chỉ 2 năm một lần hoặc cho nâng cấp “nhẹ” về chuyển nhượng (như gói Season Update bên eFootball PES) với mức giá bán hợp lý hơn, để đội ngũ phát triển vừa có thêm nhiều thời gian hoàn thiện mỗi phiên bản mà người chơi cũng thấy “mát lòng, mát dạ” hơn.
"EA càng lúc càng đẩy mạnh “microtransaction” vào game thật sự là một điều rất khó để… nuốt trôi!"
theo (Vietgame)