Giỏ hàng

Đánh giá về God of War Ragnarök: Xứng đáng với các vị thần-Điểm 10/10

Cảm giác cuối cùng tràn ngập trong Thần chiến tranh Ragnarök. Điều này là phù hợp, xem xét cách Ragnarök báo hiệu sự kết thúc của các vị thần Bắc Âu Cổ. Từ phần mở đầu khó hiểu của trò chơi cho đến cao trào hấp dẫn của nó, bạn nhận thức được kết thúc không thể tránh khỏi, điều này khiến mọi hành động của bạn đều tăng tầm quan trọng. Điều này nâng God of War Ragnarök từ một trò chơi hành động đơn giản thành một thứ gì đó sâu sắc hơn.

  • Năm 2018, Kratos được lột xác đến mức không một ai còn nhận ra gã chiến thần điên rồ. Ở vùng đất mới, trong cuộc sống mới, bỗng nhiên bên trong Kratos không đơn giản chỉ có sự phẫn nộ như cái thời đồ sát cả đỉnh Olympus nữa. Đồng ý rằng những màn chiến đấu khi ấy vẫn toát lên bản tính điên cuồng bên trong con người Kratos, nhưng với sự hiện diện của cậu con trai Atreus, hay thật ra là dưới bàn tay của các biên kịch, chiến thần Sparta có đất để thể hiện một góc cạnh rất nhân bản. Gã lo lắng cho cậu con trai không đơn giản vì vợ gã muốn, mà vì gã thực sự quan tâm tới Atreus, muốn dìu dắt cậu bé nên người.
  • Sự chăm lo ấy kết hợp với sự lúng túng của một người cha, một chiến thần lạnh như băng, không biết làm cách nào để chia sè cùng con, để cậu biết ý tốt rằng cha mình muốn truyền lại những kinh nghiệm sống. Hai nỗ lực ấy, kèm với những tréo ngoe trong gia đình những vị thần Asgard, đã tạo ra gần như tất cả những xung đột và hệ quả không thể sửa chữa trong God of War.
  • Và đến phần mới, Ragnarok, chuyến hành trình của hai cha con lại tiếp tục, không chỉ để mỗi con người trở nên hoàn thiện hơn, mà còn tạo ra hồi kết choáng ngợp cho cuộc phiêu lưu của Kratos ở xứ cửu giới. Nói một cách ngắn gọn, với những gì Ragnarok thể hiện, chúng ta đang có một ứng cử viên danh hiệu game xuất sắc nhất năm 2022, thừa đủ sức cạnh tranh với những tác phẩm đáng gờm nhất phát hành trong năm nay.

  • Vẫn là cây rìu vợ nhờ giữ hộ, cùng cặp song kiếm Blade of Chaos từng làm cỏ cả đỉnh Olympus, Kratos vẫn rất ra dáng chiến thần. Từng đòn đánh, từng pha dùng khiên chặn đứng địch thủ tấn công, mọi động tác đều rất có lực. Kết hợp với cách chơi mang hơi hướng của một game nhập vai, nơi vật phẩm có thể thay đổi chỉ số nhân vật, từ tấn công, phòng thủ hay thậm chí là cả vận may, bản thân cơ chế chiến đấu của God of War Ragnarok vẫn giữ nguyên những giá trị đã giúp phần trước trở nên thành công và cuốn hút.

  • Mọi món vũ khí đều có thể lắp thêm phụ kiện tăng chỉ số, hoặc tạo ra những tuyệt chiêu để kết hợp với những combo đánh thường. Mọi bộ giáp đều có thể nâng cấp để Kratos khoẻ hơn, phù hợp với phong cách chiến đấu của anh em. Nói cách khác, về mặt nâng cấp, không có nhiều thay đổi giữa hai phiên bản game ra mắt cách nhau 4 năm.
  • Nhưng cũng chính điều này khiến anh em đã từng cày nát God of War, đi làm đủ mọi nhiệm vụ từ chính đến phụ, đi mò đủ từng cô Valkyrie để thách đấu sẽ cảm thấy cơ chế kỹ năng của game có phần lười biếng. Chắc vì hai cha con sống với nhau 3 năm kể từ thời điểm cốt truyện phần trước diễn ra, nên Kratos cũng quên kết những kỹ năng đã học được trên chiến trường. Hệ quả là phần này phải học lại từ đầu, bằng chính những điểm kinh nghiệm có được sau từng trận chiến.

  • Nhưng bù lại, vẫn có những thứ đổi mới trong cách chơi của God of War Ragnarok. Đáng chú ý hơn cả, là Atreus giờ là một nhân vật cho phép anh em điều khiển được, có hệ thống vũ khí và cây kỹ năng riêng để tự nâng cấp theo ý muốn. Chính bản thân thay đổi này cũng gắn liền với cốt truyện game, xin phép đề cập sau. Nhưng xét riêng phạm vi gameplay, Atreus là một làn gió mới, có phần thử thách hơn khi chàng trai tuổi teen của chúng ta không thể so được với ông bố về mặt thể lực. Vậy là anh em phải dùng cái đầu trong mỗi trận đấu, kết hợp giữa những đòn đánh cận chiến với cung tên, cả tên thường lẫn phép thuật để vượt qua những sinh vật quái dị nhất xứ cửu giới.
  • Vậy là bây giờ bên cạnh Kratos, anh em còn phải tính đến cách chơi Atreus, và mỗi người đều có gói điểm kinh nghiệm riêng để nâng cấp kỹ năng. Nhưng khi hai cha con đi cùng nhau, đương nhiên Atreus vẫn là nhân vật phụ, làm nhiệm vụ hỗ trợ cho chiến thần.
  • Cùng lúc, những câu đố dựa trên địa hình mỗi màn chơi, mỗi thế giới vẫn được triển khai theo cách ép anh em dùng tất cả những nơ ron thần kinh trong đầu để tìm hướng giải quyết. Đấy có thể là tìm cách mở cổng, cũng có thể là tìm đủ ba cái rune để mở hòm kiếm trái táo của nàng Idunn để tăng máu, tất cả chúng quen thuộc mà không nhàm chán, thử thách nhưng không gây bực mình. Kết hợp giữa cơ bắp và cái đầu luôn là thứ God of War làm rất tốt.

  • Cuộc phiêu lưu của hai cha con Kratos ở phần này vừa tìm câu trả lời cho ngày tận thế Ragnarok, vừa giải quyết những hậu quả lớn mà cả hai tạo ra sau cuộc hành trình rải tro cốt người mẹ Faye. Điều đó đưa anh em đến với những vùng đất mới, những thế giới mới mà phần trước chưa có dịp đến thăm. Đấy là vùng đất của người lùn, Svartalfheim, hay là quê hương của bà cô Freya, Vanaheim. Thậm chí ở phần này, quê hương những vị thần Aesir, Asgard cũng sẽ là điểm đến cho anh em khám phá, và ở đó có gì, anh em hãy vào game để tự trải nghiệm, để những nút thắt trong cốt truyện khiến anh em bất ngờ.
  • Cùng lúc, cốt truyện game cũng đưa chúng ta trở lại những nơi quen thuộc của phần trước, nhưng giờ này bị mùa đông vĩnh cửu càn quét, chẳng còn lại vẻ đẹp nao lòng như ngày trước nữa. Từ cái hồ Lake of Nines ở Midgard, đến thế giới nơi hai tộc Elf nội chiến, Alfheim, tất cả vẫn đẹp nhưng chẳng còn sự rực rỡ của ngày nào. Nếu có thế giới nào vẫn y nguyên như ngày trước, có lẽ là vùng đất lửa Muspelheim, và xứ sở của người chết Helheim.

  • Quy mô của God of War Ragnarok ấn tượng hơn phần trước rất nhiều, thứ giải thích cho dung lượng gần 90GB của trò chơi trên PS5. Mỗi thế giới là một phong cách. Từ những mỏ khai thác khoáng sản của người lùn, đến những khu rừng nhiệt đới rậm rạp, quê hương tộc người Vanir. Sự đa dạng trong môi trường, kết hợp với sự thân thuộc của địa hình mỗi nơi giúp anh em dễ tiếp cận với game, dễ tìm đường, và từ đó dễ cảm thấy ấn tượng vì chất lượng đồ họa của phiên bản mới.
  • Nhờ sức mạnh của PS5, mọi thế giới trong cửu giới đều được khắc họa theo cách choáng ngợp nhất có thể về mặt hình ảnh. Trong phạm vi sức mạnh của cỗ máy console, lần lượt những công nghệ đồ họa được nâng cấp mạnh cho Ragnarok. Đáng chú ý nhất có lẽ là cử động cơ thể và gương mặt nhân vật, có hồn hơn phần trước nhiều.
  • Nói vậy không đồng nghĩa với việc God of War 2018 tệ ở khía cạnh đó. Nhưng cũng phải thừa nhận, giới hạn công nghệ phần trước khiến chúng ta thấy cảnh hai cha con có những cuộc trò chuyện đầy cảm xúc, nhưng người thì đơ như tượng gỗ, chỉ có gương mặt cử động. Còn ở phần này, những cái nhún vai, những điệu bộ rất tinh tế đã giúp tính điện ảnh của game đạt đến một tầm mới.

  • Dĩ nhiên không nên so sánh PS5 với PS4. Nhưng bước chuyển từ 2018 tới 2022 của God of War đã tạo ra những ấn tượng rất mạnh. Từ chất lượng texture, mật độ vật thể, hình ảnh phản chiếu cho tới cả hiệu ứng ánh sáng và đổ bóng đều cao cấp hơn rất nhiều so với trước. Cái cảnh ánh nắng chiếu qua kẽ lá, hắt xuống lưng nhân vật, nhìn thấy rõ từng chiếc lá không hề có răng cưa là thứ mình sẽ không bao giờ chán. Đương nhiên nếu so sánh với PC, thì God of War Ragnarok vẫn còn không gian để cải thiện chất lượng hình ảnh.
  • Đáng tiếc, vì những lý do liên quan đến doanh thu, mà ở khía cạnh kỹ thuật, Ragnarok là một trò chơi bị gò bó trong không gian của PS4. Diện tích không gian từng thế giới không có nhiều đổi khác so với phần trước, và mỗi khu vực bị chia thành nhiều mảnh, kết nối với nhau bằng những khe hẹp, bắt hai cha con lách qua với tốc độ rất chậm, từ đó giúp phần cứng máy PS4 với ổ HDD tải kịp những dữ liệu mới trong màn chơi, cho dù kết cấu của chúng liên thông với nhau rất liền mạch. Cứ tưởng đến thời PS5, những cái vách đá sẽ biến mất, nhường chỗ cho những không gian hùng vĩ liền thành một khối. Nhưng không. Game vẫn đẹp, vẫn bát ngát, nhưng vẫn bị phân mảnh vì giới hạn của máy game đời cũ.

  • Mình đoán rằng game cũng sẽ lên PC sớm thôi, dựa vào thành công của phiên bản trước lúc nó được phát hành trên Steam. Lúc ấy vẻ đẹp của God of War Ragnarok sẽ được phát huy ở mức tối đa vì không có giới hạn phần cứng bó buộc.
  • Nhận xét một cách công bằng, lối chơi của God of War Ragnarok đều là kế thừa và phát huy điểm mạnh của phần trước. Chơi vẫn đã tay, đôi khi vẫn cần kết hợp cả những món vũ khí khác nhau với kỹ năng để tiêu diệt đối thủ, và ở những độ khó cao hơn không phải cứ spam nút là giải quyết được vấn đề. Game thì vẫn đẹp, đẹp hơn cả bản cũ, như chính những hình ảnh anh em đang thấy. Nhưng ngần đó chắc chắn không đủ để biến God of War Ragnarok trở thành một ứng cử viên cho danh hiệu Game of the Year được.

  • Thứ thu hút người chơi với Ragnarok nhiều nhất, dám khẳng định là cốt truyện ở tầm đẳng cấp mà những cây bút tại Santa Monica Studios nhào nặn. Vẫn là nền tảng của thần thoại Bắc Âu, những bài thơ trong hai pho Edda mô tả những gì xảy ra trong mùa đông vĩnh cửu Fimbulwinter, cho tới ngày tận thế Ragnarok. Nhưng hệt như God of War, cái đẳng cấp của phần game mới vẫn là khả năng chế cháo, sáng tạo hoặc thay đổi những chi tiết nhỏ nhặt nhất để vừa giúp sự kiện diễn ra mang tính logic, vừa tận dụng được thần thoại để phục vụ cho cốt truyện của game.
  • Trong đó có lẽ ấn tượng nhất chính là cách game giải thích sự tồn tại của chú sói khổng lồ Fenrir, và con rắn thần Jormungandr, sinh vật đã xuất hiện từ phần trước nhưng chỉ được giải thích đơn giản là bị gửi về quá khứ sau trận chiến kinh thiên động địa với Thor. Nếu trong hai pho Edda, hai sinh vật gắn liền với nhân vật Loki này có nguồn gốc rất kỳ quái, thì trong khuôn khổ nội dung game, mọi thứ trở nên hợp lý hơn, và đương nhiên là bất ngờ hơn rất nhiều.

  • Đây không còn là cuộc phiêu lưu nơi Kratos phải học cách làm người, học cách làm cha nữa. Thay vào đó, nó giống hệt như những gì mô tả trong cuốn sách “Cha mẹ muốn níu, con muốn đi.” Atreus đã lớn, và muốn chứng tỏ bản thân, muốn thoả mãn trí tò mò, muốn làm một điều gì đó thực sự có ý nghĩa. Còn trong khi đó Kratos chỉ có một ham muốn duy nhất, đó là bảo vệ con mình đến cùng, mạng mình cũng chẳng thiết nữa. Và hệt như mọi thứ xảy ra trong hai pho Edda của thần thoại Bắc Âu, giống hệt như những gì xảy ra trong phần trước, chính cảm xúc và sự tò mò của Atreus, hay Loki, đã trở thành chất xúc tác tạo ra mọi rắc rối, mọi bước ngoặt trong cốt truyện game.
  • Nếu phần trước, Atreus dạy cho Kratos cách làm cha, thì đến phần này, đến lượt Kratos dạy cho cậu con trai biết cách tận dụng tính tò mò, tận dụng cảm xúc, không để nó dẫn bản thân lạc lối. Cái cách các nhà biên kịch và đạo diễn game khắc hoạ từng nhân vật cũng lại là một điểm cộng đầy ấn tượng khác của God of War Ragnarok.

  • Khác biệt của Kratos ở xứ Olympus với Kratos ở xứ Midgard trong phần trước là một màn lột xác biến trò chơi trở thành kiệt tác của mọi thời đại. Ấy vậy mà đến phần này, Kratos thậm chí còn thay đổi nhiều hơn. Anh em đã quen với lão già râu rậm mặt lạnh như tiền, cậy mồm mãi mới ra được một câu, thì đến phần này sẽ ngã ngửa, vì ông thần chiến tranh không những chịu khó chia sẻ với con, mà còn có lúc nói nhiều là đằng khác.
  • Tương tự, Loki giờ đúng chất Loki, với cái miệng lẻo mép, đôi lúc trong vài cảnh game còn chứng tỏ sự láu cá và đôi lúc có cả một chút mưu mô, thảo mai giả tạo để đạt được mục đích nữa. Những cảnh ấy là gì, mình xin phép không tiện tiết lộ, vì nó gắn liền với bước ngoặt của cốt truyện game. Không chỉ hai cha con, mà chúng ta còn cả những nhân vật khác cũng nhân bản hơn rất nhiều.
  • Ở đó là một thần Thor nát rượu đến mức đáng thương, bị giằng xé giữa nghĩa vụ với cha mình là Odin, với gia đình nhỏ đã mất đi hai thành viên, tại ai thì anh em chơi phần trước cũng biết rồi.
  • Ở đó có một Freya suy sụp vì gần như đã mất đi tất cả, bị giam hãm ở Midgard, đã vậy đứa con bà muốn bảo vệ bằng mọi giá cũng đã rời bỏ cõi đời.
  • Và ở đó có cả Odin, vị thần cai trị Asgard với nhiều bộ mặt, nhưng gã tồn tại với một mục đích cao nhất, làm mọi cách đảo ngược lời sấm truyền của tộc khổng lồ về ngày tận thế Ragnarok, về sự sụp đổ của Asgard. Vấn đề nằm ở chỗ, mọi thứ Odin làm chỉ phục vụ lợi ích của riêng bản thân lão. Đó chính là những yếu tố góp phần tạo ra kịch tính cho Ragnarok, cho cuộc phiêu lưu của hai cha con.

  • Anh em có thể không tin, nhưng trong Ragnarok, trọng tâm câu chuyện vẫn là những giá trị về tình cảm gia đình. Hai cha con có lúc khắc khẩu, có lúc xung đột tới mức tưởng chừng không thể hàn gắn. Nhưng chính trải nghiệm của cả hai sẽ dần giúp hai nhân vật Kratos và Atreus hiểu người còn lại muốn gì hơn. Bản thân những lời sấm truyền của tộc người khổng lồ về vận mệnh con người cũng chỉ là mắm muối để cả hai cùng cố gắng, hoặc chấp nhận thực tại một cách vui vẻ nhất, hoặc nỗ lực đi tìm cái kết khác, nơi quyền tự chủ của mỗi con người được lên tiếng.
  • Và bản thân cốt truyện game cũng rất biết chơi đùa với cảm xúc của chúng ta. Trong một tuyệt phẩm về tự sự khác, The Last of Us Part II, Naughty Dog đánh vào cảm xúc của người chơi nhờ những cảnh game từ hai góc nhìn, hai nhân vật, với những hành động chưa chắc đã đồng tình. Còn với God of War Ragnarok, cảm xúc của chúng ta đôi khi kết hợp thành một với nhân vật chúng ta điều khiển. Chúng ta cảm nhận được rõ hỉ, nộ, ái, ố, hiểu rõ nguyên nhân của từng hành động, và đôi khi còn tự cảm thấy sự phẫn nộ thông qua nhân vật Kratos, hay sự tò mò ham khám phá thông qua nhân vật Atreus.

  • Chỉ đơn thuần cốt truyện cũng đã đủ để biến God of War Ragnarok trở thành một kiệt tác mới về mặt giải trí tương tác, với những khung hình đầy tính điện ảnh, những câu thoại ngắn gọn mà đầy cảm xúc và ngữ nghĩa. Cách chơi của game có thể không quá mới mẻ, không lột xác như chính bản thân những nhân vật, nhưng sự kết hợp tài tình, hoà quyện giữa lối chơi hành động đã tay với cốt truyện đầy tính nhân bản là thứ giúp hồi kết cuộc phiêu lưu của hai cha con Kratos và Atreus diễn ra một cách hoàn mỹ.

Facebook Instagram Youtube Twitter Xem địa chỉ Shop Chat với chúng tôi Top