Tất tần tật về Axie Infinity - Thành tựu nổi bật và giá trị vốn hóa tỷ đô của đồng AXS
Rầm rộ trên các kênh truyền thông trong những ngày qua là thông tin về tựa game Axie Infinity của người Việt sở hữu đồng tiền điện tử đạt vốn hóa 2.7 tỷ USD. Liệu Việt Nam có xuất hiện tỷ phú công nghệ đầu tiên? Mô hình game của Axie Infinity gắn với blockchain và cryptocurrency là thế nào? Có những điểm thú vị và rủi ro gì?
- Mấy hôm nay trên tất cả các báo mạng cũng như Online game, blockchain, cryptocurrency, đang rất chú ý đến đọ hót hiện tượng game Axie Infinity và Nguyễn Thành Trung, tớ cũng đã tìm hiểu kha khá các bài viết và thấy bài này viết rõ ràng và cụ thể nhất về chủ đề này và hy vọng chúng ta cùng giải mã Axie Infinity và mô hình “online game thời đại blockchain” trong bài viết dưới đây.
1. TỔNG QUAN VỀ AXIE INFINITY
1.1. Axie Infinity là gì?
- Theo lời giới thiệu của founder & CEO Trung Nguyễn, “Axie Infinity là một game mô phỏng thế giới thú nuôi ảo lấy cảm hứng từ Pokémon, nơi bất kỳ ai có thể dễ dàng nhận thưởng dưới dạng token bằng cách vận dụng kỹ năng chơi game của mình và đóng góp vào hệ sinh thái. Người dùng có thể giao đấu với nhau, thu thập, chăm sóc, phối giống và xây dựng cả một vương quốc cho những con thú nuôi của mình (được gọi là các Axie) ”.
- Tuy nhiên, không chỉ đơn giản là một game giải trí trong đó người chơi thu thập, phối giống, và đưa thú giao chiến, Axie Infinity mong muốn xây dựng một mạng xã hội, hay thậm chí là một nền kinh tế thu nhỏ, được game hóa, nơi người chơi có thể tạo cộng đồng, mua bán vật phẩm, tự mình xây dựng trò chơi, và quan trọng nhất, là kiếm tiền từ game này.
1.2. Sky Mavis là gì?
- Sky Mavis là một công ty phát triển các tựa game ứng dụng công nghệ blockchain, và Axie Infinity là một trong số những sản phẩm của Sky Mavis.
Đội ngũ Sky Mavis. Founder & CEO Nguyễn Thành Trung là người đứng giữa
- Sky Mavis được thành lập thành lập năm 2018 bởi Nguyễn Thành Trung cùng các co-founders Aleksander Leonard Larsen và Jeffrey Zirlin. Trong đó, Nguyễn Thành Trung là người đầu tiên có ý tưởng về trò chơi này từ năm 2017. Trước đó anh từng là giám đốc kỹ thuật của startup Lozi (nay là LoShip) từ năm 2012 đến 2015.
1.3. Lịch sử gọi vốn
- Tháng 5/2021, Sky Mavis công bố gọi vốn Series A thành công 7.5 triệu USD từ Libertus Capital (lead investor) cùng một số quỹ khác gồm 500 Startups, Collab+Currency, DeFi Alliance, CoinGecko Ventures. Trước đó, công ty này cũng đã gọi vốn 1.5 triệu USD vào 2019.
- Một số nhà đầu tư cá nhân nổi bật đã đầu tư vào Sky Mavis gồm Mark Cuban (tỷ phú từ chương trình Shark Tank Mỹ), Alexis Ohanian (đồng sáng lập Reddit) và John Robinson (Giám đốc điều hành 100 Thieves).
1.4. Axie Infinity - Thành tựu nổi bật và giá trị vốn hóa của đồng AXS
- Theo số liệu trên website của Axie Infinity, tựa game này hiện đạt 250,000 người chơi/ ngày, với tổng cộng 90,000+ ETH (ETH là ký hiệu của đồng Ethereum), tức ~ 203.4 triệu USD, đã được giao dịch trên marketplace của game. Đây là bước tăng trưởng thực sự mạnh mẽ bởi vào tháng 8/2020, tựa game này chỉ đạt mức 5,500 người chơi/ ngày.
- Tính tới hôm nay, 28/7/2021, mỗi đồng AXS, tiền mã hóa được sử dụng trong Axie Infinity, có giá 45.28 USD. Với gần 61 triệu AXS đang được lưu hành, giá trị vốn hóa thị trường của AXS đạt hơn 2.7 tỷ USD, đứng thứ 34 trên thị trường tiền mã hóa toàn cầu. Con số này đã dấy lên cuộc bàn tán về việc Nguyễn Thành Trung, founder & CEO của Sky Mavis, trở thành tỷ phú công nghệ đầu tiên của Việt Nam.
Tổng giá trị vốn hóa của AXS trên thị trường từ tháng 11/2020 tới 18/7/2021. Nguồn: CoinMarketCap.
- Tuy nhiên, trong tổng số 61 triệu AXS được phát hành, đội ngũ Sky Mavis chỉ nắm 21%, tức khoảng hơn 567 triệu USD giá trị vốn hóa, và founder Trung Nguyễn chỉ nắm một phần trong số đó. Điều này có nghĩa, khối tài sản của cá nhân anh Trung gắn với Axie Infinity vẫn còn cách khá xa so với mốc tỷ phú. Ngoài ra, do giá trị đồng AXS có thể biến động rất nhanh theo cung - cầu, nên quy mô tài sản này cũng có thể biến động rất mạnh chứ không ổn định.
- Vậy là Việt Nam vẫn chưa xuất hiện tỷ phú công nghệ đầu tiên. Song, việc tạo nên một đồng tiền điện tử với vốn hóa đạt 2.7 tỷ USD vẫn là một thành tựu đáng ngưỡng mộ với người Việt. Xin chúc mừng Sky Mavis, và chúc team sẽ đạt thêm nhiều mốc phát triển mới trong tương lai!
2. PHÂN TÍCH MÔ HÌNH KINH DOANH CỦA AXIE INFINITY VÀ NFT GAME
- Sự xuất hiện của các công nghệ mới như blockchain và cryptocurrency đã mở ra rất nhiều tiềm năng mới cho ngành công nghiệp game truyền thống, với rất nhiều điểm thú vị, và tất nhiên là cả tranh cãi. Mô hình kinh doanh của Axie Infinity cũng là mô hình tiêu biểu của các NFT Game nói chung.
2.1. Công nghệ đứng sau Axie Infinity: Blockchain và Cryptocurrency
- Theo founder Trung Nguyễn: “Xét riêng về yếu tố kỹ thuật và cách thức blockchain hoạt động, thì mình thấy nó không có gì thú vị. Chỉ khi đem blockchain đi ứng dụng vào gaming và thấy được những thứ nó có thể mang lại thì mình mới nghĩ “À, blockchain nó cũng fun, nó cũng đáng dùng chứ không phải chỉ xoay quanh những con số buồn chán của tài chính”.”
Ứng dụng của blockchain trong game
- Blockchain là một công nghệ lưu trữ dữ liệu thành các chuỗi khối dựa trên nguyên tắc lưu trữ và kiểm soát phi tập trung. Với nguyên lý phi tập trung, tức không ai kiểm soát toàn bộ blockchain, dữ liệu được lưu trữ trong chuỗi khối được đảm bảo minh bạch và an toàn.
- Ứng dụng nền tảng blockchain, các nhà phát triển game giờ đây có thể giải quyết nhiều vấn đề lớn trong các mô hình game truyền thống như:
➤ Người chơi giờ đây đã có một không gian với độ bảo mật cao cho việc mua bán và lưu trữ các vật phẩm trong game mà không sợ bị hack tài khoản;
➤ Blockchain cho phép người chơi tạo 1 profile duy nhất và dùng cho tất cả các game, thay vì phải đăng ký tài khoản cho mỗi tựa game;
➤ Với các game được phát triển trên nền tảng blockchain, việc thanh toán khi mua vật phẩm trong game nhanh chóng và tiện hơn do không phải thông qua một nền tảng thanh toán thứ 3. Ví dụ, với Axie Infinity, bạn có thể dùng ETH để mua vật phẩm trong game, thay vì phải nạp tiền qua thẻ điện thoại hay ví MoMo (các bên thứ 3), đổi xu, rồi mới mua được vật phẩm game.
➤ Với các game truyền thống, kể cả khi bạn đã bỏ tiền mua vật phẩm, những vật phẩm đó thực sự vẫn thuộc quyền sở hữu của nhà phát hành game, với dữ liệu nằm trong server của nhà phát hành chứ không phải database của bạn, mang lại rủi ro như hacker, lỗi server. Với các game blockchain, dữ liệu của vật phẩm đó được mã hóa và được lưu trữ trên blockchain, sở hữu bởi chính người chơi và không ai có thể thay đổi/ lấy cắp được.
➤ Và đặc biệt hơn nữa, với đặc tính phi tập trung của blockchain, các game thủ giờ đây có thể nắm 1 phần quyết định cho quá trình xây dựng và phát triển tựa game đó, cho phép họ có thể thiết kế trò chơi theo ý mình.
- Axie Infinity được phát triển trên nền tảng blockchain của Ethereum, là nền tảng blockchain phổ biến cho các blockchain game bởi nó có nhiều tính năng phù hợp như cho phép xây dựng game, tạo ví cryptocurrency, hay token hóa các vật phẩm trong game.
Cryptocurrency
- Cryptocurrency (còn gọi là “tiền mã hóa”) là đơn vị tiền tệ ảo được sử dụng như một phương tiện trao đổi hoặc lưu trữ giá trị. Mỗi loại cryptocurrency gắn liền với một nền tảng blockchain để phục vụ cho việc lưu trữ các giao dịch sử dụng cryptocurrency đó. Một trong những điểm cốt lõi của cryptocurrency là tính phi tập trung, tức chúng tồn tại không nằm trong tầm kiểm soát bởi tổ chức/ cá nhân nào, và giá trị phụ thuộc vào cung - cầu thị trường.
- Các cryptocurrencies có thể được chia thành 2 loại: Coin và Token. Về mặt kinh tế, cả Coin và Token đều là những cryptocurrency có chức năng trao đổi và lưu trữ giá trị. Về mặt kỹ thuật, mỗi coin được xây dựng trên một nền tảng blockchain của chính nó (ví dụ Bitcoin được xây dựng trên nền tảng blockchain của Bitcoin, Ethereum được xây dựng trên nền tảng blockchain của Ethereum,...), còn Token không có nền tảng blockchain riêng, mà được xây dựng trên nền tảng blockchain của các Coin khác. Do đó, việc tạo nên Token mới nhanh chóng và không mất nhiều nguồn lực như việc tạo Coin mới.
Phân loại cryptocurrency. Nguồn: Cryptoverze.
- Ngoài ra, bên cạnh chức năng trao đổi và lưu trữ giá trị như Coin, Token cũng sở hữu nhiều tính năng khác linh hoạt hơn bao gồm:
➤ Security Token (token bảo mật)
- Đây là loại token được dùng như vốn chủ sở hữu; có thể nhận được lợi nhuận từ dự án, thường xuất hiện trong các dự án ICO (Initial Coin Offerings), và có thể được hiểu như một loại cổ phiếu trong thế giới tiền điện tử.
➤ Transactional Token (token giao dịch)
- Loại token này được dùng để giao dịch như tiền tệ trong hệ sinh thái của dự án. Nó chỉ khác biệt với coin ở mặt kỹ thuật chứ thực chất giống coin hoàn toàn về mặt kinh tế.
➤ Utility Token (token tiện ích)
- Đây là loại token thường được dùng để sử dụng tính năng của một phần mềm hay chức năng đặc biệt nào đó trong hệ sinh thái. Ví dụ như giảm giá, mua những vật phẩm đặc biệt, staking…
➤ Governance Token (token quản trị)
- Token loại này được dùng như các phiếu bầu để bỏ phiếu trong các quyết định ảnh hưởng tới dự án. Chúng thường đồng thời là Security Tokens (giống như cổ phiếu trong công ty cũng thường có sẵn quyền biểu quyết).
➤ Non-fungible Token (NFT – token không thể thay thế)
- Đây là loại token thú vị và đặc biệt nhất. Do đặc tính không thể thay thế của chúng; mỗi một Non-fungible Token là một token riêng biệt so với tất cả các NFT khác. Ví dụ, nếu bạn có 2 lon cafe Highland, đó là 2 lon cafe giống nhau và có thể thay thế cho nhau; nhưng một bức tranh của Picasso thì không thể được thay thế bằng một bức scan của chính nó (bởi giá trị nguyên gốc của tác phẩm nghệ thuật, dù bức tranh và bản scan trông giống hệt nhau). Trong ví dụ này, bức tranh của Picasso là một tài sản không thể thay thế (non-fungible asset).
- Nếu ta đem bức tranh đó mã hóa với một mã duy nhất và lưu trên blockchain (token hóa), ta được một NFT (Non-fungible Token) đại diện cho bức tranh, và lưu trữ giá trị của bức tranh đó. Với tính bảo mật của blockchain, NFT này không thể bị chỉnh sửa hay lấy cắp, và luôn đại diện cho một non-fungible asset chính gốc, tránh được các rủi ro về làm giả.
- Do đó, NFT đang là phương pháp ngày càng phổ biến để lưu trữ các non-fungible assets, từ tranh, ảnh, bài hát, cho tới cả dòng tweet đầu tiên của CEO Twitter! Bởi tính chính gốc và giá trị cao, các NFT có thể được đem đấu giá, hoặc mua đi bán lại trên các marketplace để kiếm thu nhập cho người sở hữu chúng.
NFT của dòng Tweet đầu tiên của Jack Dorsey, CEO của Twitter, được bán đấu giá tới 2.9 triệu USD.
- Với Axie Infinity, tựa game này phát hành token của mình với tên gọi AXS, với đầy đủ các chức năng Security, Transaction, Utility và Governance (sẽ được nói rõ hơn ở phần Mô hình game). Các vật phẩm trong game cũng được token hóa thành các NFT để người chơi mua bán trên marketplace của game.
2.2. Mô hình game của Axie Infinity
- Axie Infinity là một vũ trụ game được lấy cảm hứng từ concept thu thập, nuôi, phối giống và giao đấu thú nuôi của tựa truyện tranh, hoạt hình và game Pokémon nổi tiếng. Mảnh đất Lunacia là nơi sản sinh ra các Axie, những thú nuôi đáng yêu mà người chơi sẽ tương tác trong trò chơi.
Gameplay của Axie Infinity.
- Để tham gia vào thế giới Lunacia, người chơi cần sử dụng một lượng ETH nhất định để mua tối thiểu 3 Axie trên marketplace của game. Giá của các Axie liên tục biến động theo cung - cầu và đặc tính (sức mạnh, độ hiếm) của mỗi con thú. Thời gian đầu mới ra mắt game, các axie có giá tối thiểu khoảng vài USD, còn hiện tại (28/7/2021), giá của Axie giao động từ $370 tới hàng ngàn USD. Điều này có nghĩa, để chơi Axie Infinity, người chơi phải “đầu tư” một khoản tiền khoảng $1,200, và đang ngày càng tăng.
Marketplace trong Axie Infinity.
AXS trong Axie Infinity
- Axie Infinity tặng thưởng người chơi cho những tương tác của họ trong game bằng AXS, token với nhiều chức năng được sử dụng để điều phối nền kinh tế trong Axie Infinity. AXS có thể được sử dụng cho nhiều chức năng bao gồm:
➤ Governance: Người chơi sở hữu AXS có thể tham gia bầu chọn, bỏ phiếu cho các quyết định quan trọng liên quan đến vận hành, phát triển game. Trong trường hợp này, AXS đóng vai trò của một Governance Token.
➤ Staking: Lưu trữ AXS tại Community Treasury, quỹ dùng để duy trì hoạt động của cộng đồng người chơi Axie Infinity, giống như gửi tiết kiệm trong ngân hàng. Trong trường hợp này, AXS đóng vai trò của một Utility Token.
➤ Thanh toán: Đóng vai trò của một Transactional Token, AXS cũng có thể được dùng cho các thanh toán, giao dịch trong game.
Có nhiều cách để thu thập AXS khi chơi Axie Infinity:
➤ Chơi game: Giao đấu Axie, phối giống Axie và bán trên marketplace, hay làm nông (farming) để chế tạo dung dịch tình yêu (Smooth Love Potion - SLP) dùng để phối giống Axie. Bên cạnh AXS, SLP cũng là một token có thể dùng để giao dịch trên sàn Binance hay Uniswap.
➤ Staking: Giống như lãi suất khi gửi tiết kiệm, người chơi cũng sẽ nhận thưởng AXS định kỳ khi lưu trữ AXS tại Community Treasury.
➤ Governance: Tham gia hoạt động governance, người chơi cũng nhận được phần thưởng là AXS.
- Việc tương tác với game để nhận AXS khá giống việc đào Bitcoin. Có tối đa 21 triệu Bitcoin, và các thợ đào được thưởng Bitcoin cho hoạt động xác thực và mã hóa các giao dịch. Tương tự như vậy, trong thế giới Axie Infinity, đội ngũ Sky Mavis tạo ra tổng cộng 270 triệu AXS, được mở khóa (unlock) dần dần từ 2018 tới 2024, và một phần trong số đó sẽ dần được unlock để thưởng người chơi cho việc chơi, quản lý và staking trong game.
- Trên đây là lịch trình unlock AXS của Axie Infinity trong 65 tháng, hiện đã có khoảng 61 triệu AXS được unlock. Tổng số token này sẽ được chia cho nhiều mục đích:
➤ Play to Earn (20%): Tặng thưởng cho người chơi khi chơi game.
➤ Staking Rewards (29%): Phần thưởng cho việc lưu trữ AXS trong Community Treasury.
➤ Ecosystem Fund (hay Community Treasury - 8%): Ngân quỹ dùng để duy trì hoạt động của cộng đồng người chơi Axie Infinity.
➤ Sky Mavis (core team - 21%): Lượng AXS sở hữu bởi đội ngũ Sky Mavis.
➤ Advisors (7%): Lượng AXS sở hữu bởi các advisor của game, như một dạng cổ phần trong Axie Infinity.
➤ Public Sale (11%): Lượng AXS bán cho công chúng.
➤ Private Sale (4%): Lượng AXS bán cho các nhà đầu tư tư nhân qua các vòng gọi vốn.
Người chơi kiếm tiền thế nào?
- Khác với việc làm nhiệm vụ tìm vàng/ kho báu trong các game truyền thống, những gì người chơi kiếm được hay tạo ra trong Axie Infinity là những tài sản có giá trị, và có thể được đổi thành ETH hay tiền mặt, với tính thanh khoản khá cao.
- Người chơi Axie Infinity có thể kiếm tiền theo nhiều cách:
➤ Qua AXS
- AXS thu thập từ game có thể được người chơi sử dụng để giao dịch trên nhiều sàn giao dịch, với giá trị hiện tại (28/7/2021) đạt $45.24/ AXS và tổng giá trị vốn hóa vượt 2.7 tỷ USD.
➤ Qua SLP (Smooth Love Potion)
- Như giới thiệu ở trên, người chơi có thể kiếm được SLP qua việc chơi game (farming hoặc thắng các trận đấu). Bên cạnh chức năng là nguyên liệu để phối giống các Axie trong game, SLP cũng là một token có thể được dùng để giao dịch trên sàn Binance hay Uniswap. Hiện tại (ngày 28/7/2021), 1 SLP có giá tương đương 0.27 USD, với tổng giá trị vốn hóa đạt 148.2 triệu USD.
➤ Qua NFT
- Bên cạnh SLP, người chơi có thể giao dịch đa dạng vật phẩm trong game như đất, nhà cửa, hoa, cừu, và phổ biến nhất là các Axie, trên marketplace của game. Các vật phẩm này được token hóa thành các NFT và bán trên marketplace, người bán sẽ thu được ETH từ các giao dịch này.
- Với hình thức NFT, người chơi kiếm tiền bằng cách mua các Axie với giá thấp, lưu ý rằng để bắt đầu chơi bạn phải mua tối thiểu 3 Axie trên marketplace, rồi thông qua quá trình chơi, phối giống chúng thành các Axie mạnh hơn, hiếm hơn, và bán lại trên marketplace với giá cao. Axie đắt nhất từng được bán với giá 300 ETH, tương đương ~672,600 USD với giá hiện tại, tức ~ 15.5 TỶ VNĐ!
Chân dung chú Axie đắt giá nhất từng được bán.
- Như vậy, với cơ chế Pay-to-Play rồi mới đến Play-to-Earn, Axie Infinity cho phép người chơi kiếm thêm thu nhập từ khoản đầu tư ban đầu (chi phí mua 3 Axie đầu tiên). Hiện tại, trung bình một người chơi Axie Infinity kiếm được $1,500/ tháng, cao hơn số vốn đầu tư tối thiểu để chơi game (khoảng $1,200) và cao hơn mức thu nhập trung bình từ công việc chính của rất nhiều người.
2.3. Mô hình kinh doanh của Axie Infinity
- Hiện tại, Axie Infinity thu tiền từ 2 hoạt động chính sau:
➤ Phí phối giống các Axie, dưới dạng AXS.
➤ Chi phí giao dịch trên marketplace (4.25% quy mô giao dịch, dưới dạng ETH) cho các NFT bao gồm Axie, đất, và các vật phẩm khác.
- Quy đổi sang ETH, cơ cấu doanh thu của Axie Infinity trong năm 2020 được tổng hợp ở biểu đồ sau, trong đó doanh thu lớn nhất đến từ các giao dịch mua bán NFT đất trên marketplace.
Định hướng phát triển phi tập trung cho Axie Infinity
- Theo công bố trên website, Axie Infinity sẽ dần phát triển thành một “community-owned decentralized organization” (tổ chức phi tập trung được sở hữu bởi cộng đồng).
- Hiện tại trong thời gian đầu Axie Infinity đang được quản lý bởi Sky Mavis, nhằm định hướng phát triển và xây dựng một vũ trụ Axie Infinity ổn định. Dần dần, thông qua việc số lượng người chơi ngày càng đông, và lượng AXS được trao cho người chơi (unlock) ngày nhiều, cộng đồng người chơi sẽ có quyền vote ngày càng lớn (nhớ rằng AXS có chức năng governance cho phép người sở hữu nó tham gia biểu quyết trong các quyết định vận hành và phát triển game).
- Theo dự kiến, Sky Mavis sẽ không còn nắm quyền biểu quyết đa số vào tháng 10/ 2023. Khi đó Axie Infinity sẽ do cộng đồng tự do tự định hướng phát triển. Người chơi có thể biểu quyết trong nhiều quyết định như phát triển tính năng mới, chế độ mới, các giải đấu, cơ chế mới,... và xây dựng game theo ý thích của số đông.
3. NHỮNG RỦI RO LIÊN QUAN ĐẾN MÔ HÌNH CỦA AXIE INFINITY VÀ NFT GAME
- Như mọi mô hình kinh doanh mới, có nhiều lý do để ta lo ngại về mô hình của Axie Infinity và NFT game nói chung.
3.1. Rủi ro bong bóng
- Đầu tiên và dễ thấy nhất, đó là việc người chơi kiếm tiền từ các token như AXS, SLP, và NFT, là những tài sản số mà giá trị của chúng phụ thuộc vào cung cầu trên thị trường, với giá trị có thể biến động rất nhanh. Ví dụ, đồng KNC của Kyber Network từng đạt giá trị vốn hóa 770 triệu USD vào tháng 4/2021, và giảm còn chỉ 286 triệu USD vào hôm nay (28/7/2021, chỉ 3 tháng sau đỉnh 770 triệu USD).
- Đặc biệt, khác với việc đầu tư vào bất động sản hay nhà máy sản xuất là những mô hình kinh doanh có tài sản vật lý với giá trị nội tại (intrinsic value), và qua đó bạn tạo nên những tài sản vật lý khác cũng có giá trị nội tại. Đầu tư vào Axie Infinity, bạn tạo nên và sở hữu các tài sản số (AXS, SLP, NFT) có giá trị nội tại rất mơ hồ, và giá trị của nó được quyết định rất nhiều bởi niềm tin của số đông. Việc giá trị thị trường của một tài sản có giá trị nội tại mơ hồ tăng lên quá cao là một trong những dấu hiệu không thể làm ngơ để ta lo ngại về viễn cảnh của một “bong bóng”.
Giá trị thị trường của đồng AXS tăng mạnh mẽ từ tháng 11/2020 tới 28/7/2021. Nguồn: CoinMarketCap.
- Hiện tại Axie Infinity đang hot, ngày càng nhiều người bỏ tiền vào chơi, và giá của AXS, SLP, NFT từ game ngày một tăng. Vậy sẽ ra sao nếu một ngày người chơi chán hay mất niềm tin và không còn chơi Axie Infinity nữa? Khi đó giá của các token trên sẽ tụt dốc mạnh mẽ, rồi có thể sẽ đến một ngưỡng thấp hơn nhiều so với mức đầu tư cần bỏ ra để chơi. Hậu quả khi đó là rất nhiều người chơi mất tiền.
3.2. Lo ngại về mô hình đa cấp mới?
- Nhìn sâu xa hơn, đến khi toàn bộ 21 triệu AXS được unlock hết, tức người chơi không còn kiếm được AXS từ chơi game mà chỉ kiếm được từ Community Treasury (được thưởng qua hoạt động governance và staking), hãy nghĩ thế này:
- Người chơi mới luôn phải đầu tư một khoản tiền ban đầu để mua Axie và tham gia trò chơi → Tiền đó trả cho người chơi cũ và một phần đi vào Community Treasury.
- Tokens (AXS, SLP) mà người chơi nhận được lấy từ đâu? → Được thưởng từ Community Treasury.
- Tiền trong Community Treasury lấy từ đâu? → Như đã nói ở trên, lấy từ người chơi mới.
→ Điều này có nghĩa, tiền bạn kiếm trong game được lấy từ chính bạn và người chơi khác.
Nói cách khác, tiền của người chơi sau sẽ được dùng để trả cho người chơi trước!
- Nghe đến đây, ta bỗng thấy quen quen phải không? Đó chính là dấu hiệu của một mô hình đa cấp, với nguyên lý “tiền của người đến sau trả cho người đến trước”.
- Tuy nhiên, mô hình NFT game có điểm khác với mô hình đa cấp lừa đảo. Đa cấp lừa đảo là một mô hình đóng, tức dòng tiền chỉ đến từ người tham gia và luân chuyển trong hệ thống đa cấp (tạo nên một zero-sum game khi có người lãi thì chắc chắn có người mất tiền).
Trong một zero-sum game, có người thắng, thì chắc chắn có kẻ thua.
- Còn mô hình kinh doanh của game thì mở hơn, cho phép dòng tiền đến từ nhiều nguồn bên ngoài người chơi game, ví dụ như giao dịch các token với người ngoài game trên các sàn giao dịch, hay thu tiền từ các khán giả theo dõi và các nhà quảng cáo thông qua tổ chức giải đấu, nhượng quyền, in áo/ ấn phẩm game,... Với dòng tiền đến từ bên ngoài này, game sẽ tránh khỏi mô hình zero-sum game, và những người chơi đã đầu tư vào game cũng tránh được rủi ro đa cấp lừa đảo.
- Như vậy có thể thấy, Axie Infinity và các NFT game nên đa dạng nguồn thu từ bên ngoài theo những cách kể trên, thay vì chỉ tập trung và nguồn thu đến từ người chơi, để tránh bị lợi dụng trở thành mô hình đa cấp lừa đảo.
TỔNG KẾT
- Trên đây là tất tần tật về mô hình kinh doanh của Axie Infinity, một tựa game đại diện cho mô hình của các NFT game nói chung. Có thể thấy, tồn tại trong thế giới Axie Infinity không chỉ có vùng đất Lunacia cùng các Axie đáng yêu, mà còn là cả một nền kinh tế phức tạp nhưng đầy thú vị, cho phép người chơi tạo thu nhập và rất đáng để tìm hiểu.
"Online game + blockchain + cryptocurrency, rồi sắp tới sẽ là công nghệ mới nào xuất hiện và cách mạng hóa ngành game? Chúng ta hãy cùng đón chờ"
(Sưu tầm)