Giỏ hàng

Playstation 5: Phép màu hồi sinh của hãng điện tử Sony

Playstation 5, máy chơi game thế hệ mới nhất của hãng Sony, đã trở thành sản phẩm được chào đón và lớn nhất của gã khổng lồ công nghệ Nhật Bản.

  • Cách đây không lâu, mỗi gia đình tại Mỹ về cơ bản đều sở hữu hàng loạt thiết bị của hãng điện tử Sony nổi tiếng của Nhật Bản. Nó có thể là chiếc máy nghe nhạc Walkman hoặc Discman. Đó còn chưa kể đến những chiếc máy chạy cassette, đầu băng VCR, dàn loa, TV và một loạt những thiết bị điện tử khác.
  • Ngày nay, hầu hết các sản phẩm giải trí của Sony đều tập trung vào sản phẩm duy nhất: máy chơi game Playstation. Ngày 12/11 vừa qua, tập đoàn Sony đã chính thức mở bán máy chơi điện tử thế hệ mới PlayStation 5 trên toàn cầu. Đây là thế hệ máy chơi game thứ năm của Sony trong suốt 25 năm qua.

Cháy hàng ngay ngày đầu

  • Với nhu cầu giải trí tại nhà tăng đột biến do dịch bệnh Covid-19, không có gì ngạc nhiên khi PlayStation 5 đã rơi vào tình trạng “cháy hàng” ngay trong ngày đầu mở bán. Tại "sân nhà" Nhật Bản, các nguồn hàng đều đã cạn kiệt từ rất sớm.
  • Bên cạnh nhu cầu chơi game tăng mạnh, dịch bệnh Covid-19 cũng khiến Sony gặp nhiều khó khăn trong việc đảm bảo nguồn cung. Mức giá thấp nhất của PlayStation 5 là 400 USD cho bản không kèm ổ đĩa, nhưng giá bán máy trên các chợ đen tại Nhật Bản có thời điểm đã lên đến hơn 900.
  • Hiện PlayStation 5 mới chỉ mở bán tại Australia, Nhật Bản, Mexico, New Zealand, Bắc Mỹ và Hàn Quốc, còn những nơi khác sẽ phải chờ thêm một tuần nữa. Dù ra mắt cùng lúc với Xbox Series X/S của Microsoft, nhưng giống như những thế hệ trước đây, số tựa game độc quyền của PlayStation luôn nhiều hơn. Điều này khiến nhiều người vẫn muốn sở hữu PS5 hơn là Xbox.
  • Sony dự kiến sẽ bán được 7,6 triệu máy PlayStation 5 vào cuối tháng 3/2021, vượt qua thành tích của PlayStation 4. Tuy nhiên, các nhà phân tích dự kiến tỷ suất lợi nhuận của Sony trên PlayStation 5 sẽ thấp, thậm chí có thể thua lỗ, với việc công ty này dựa vào doanh số bán trò chơi, dịch vụ và các thuê bao đăng ký trực tuyến để thu lợi nhuận.

Lợi thế thị trường "ngách"

  • Trước đây, Sony từng là “ông trùm” trong giới công nghệ và cũng đi đầu trong việc thay đổi thị trường giải trí toàn cầu, từ việc giới thiệu TV màu, chuyển đổi thói quen sử dụng băng cassette sang đĩa CD,… Tuy nhiên, thời gian qua, công ty này đã phung phí nhiều cơ hội để tiếp tục thống lĩnh thị trường với những thất bại liên tục trong lĩnh vực âm nhạc kỹ thuật số, chế tạo smartphone và TV thông minh. Điều đó khiến cho tất cả những gì người tiêu dùng nghĩ đến khi nhắc đến cái tên Sony chỉ còn là chiếc máy chơi game huyền thoại kia.
  • Theo ông Kenichiro Yoshida, Chủ tịch kiêm CEO của Sony, tập đoàn này đã trải qua một giai đoạn vô cùng khó khăn. Dù vậy, mảng trò chơi điện tử đã giúp công ty dần dần lấy lại vị thế của mình.
    Sáu năm trước, khi ông Yoshida là giám đốc tài chính, ông đã góp phần lớn công sức trong quá trình chuyển đổi mạnh mẽ về văn hóa và mô hình kinh doanh của Sony. Ông Yoshida đã cắt giảm chi phí đầu tư trong nhiều mảng như smartphone và từng bước đưa công ty rút khỏi thị trường máy tính để bàn và TV giá rẻ. Quyết định này giúp cho cổ phiếu của Sony tăng gấp 11 lần từ năm 2012, giúp công ty giữ vững vị trí số một Nhật Bản, với khoảng 110.000 nhân viên và giá trị thị trường khoảng 108 tỷ USD.
  • Kota Ezawa, chuyên gia nghiên cứu của tổ chức tài chính Citigroup bình luận rằng: “Mảng giải trí, cụ thể là trò chơi điện tử, chính là diện mạo mới và là động lực tăng trưởng mới của Sony. Ông Yoshida từng tuyên bố rõ ràng về việc chuyển hướng Sony từ một doanh nghiệp bán đồ điện tử truyền thống trở thành doanh nghiệp công nghệ giải trí”.

  • Thực tế, trong nửa đầu năm tài chính 2020, mảng game đã đóng góp hơn 27% doanh thu và 42% thu nhập của công ty. Để so sánh, mảng thiết bị điện tử chỉ đem lại cho Sony 20% doanh thu và 8% thu nhập kinh doanh.
  • Ngoài game và thiết bị điện tử, phân khúc kinh doanh lớn nhất của Sony còn là cảm biến hình ảnh. Công ty chuyên bán chip camera tiên tiến nhất cho các công ty chuyên sản xuất smartphone như Apple và Huawei. Ngoài ra, Sony còn sở hữu nền tảng âm nhạc Sony Music và một công ty làm phim tại Hollywood mang tên Sony Pictures. Đây được coi là những bộ phận nhỏ nhất của tập đoàn nhưng vẫn đem lại lãi suất tương đối trong những năm gần đây.
  • Ông Yoshida đã miêu tả rằng với máy chơi game Playstation, Sony đang hướng sự tập trung của mình vào thị trường “ngách”, dù mảng game PC và di động hiện chiếm tới 3/4 thị trường toàn cầu. Có thể thấy , thị trường “ngách” có tiềm năng lợi nhuận rất lớn.
  • Các nhà phân tích Phố Wall cho rằng, CEO Yoshida đã nói rõ ý định quản lý Sony dựa trên hiệu quả tài chính hơn là các chỉ số khác như tăng trưởng doanh thu hay thị phần. Ông cũng từng thừa nhận rằng lợi nhuận chính là sự sống còn của các công ty. Thế nhưng, mục tiêu thực sự của Sony là việc “giúp thế giới tràn đầy niềm vui thông qua sự sáng tạo và công nghệ. Lợi nhuận là một mục tiêu. Nhưng mục tiêu khác với mục đích.”

Theo "NY TIMES"

Facebook Instagram Youtube Twitter Xem địa chỉ Shop Chat với chúng tôi Top