Đánh giá máy chơi Game Legion Go AMD Ryzen Z1 Extreme
Máy chơi game Lenovo Legion Go được trang bị CPU AMD Ryzen Z1 Extreme 8C/16T xung nhịp tối đa 5.1GHz, cùng với đó là tích hợp kiến trúc GPU AMD RDNA 3 sẽ cho bạn 1 sức mạnh vô cùng mạnh mẽ có thể chiến được tất cả mọi tựa game hiện tại chỉ trong 1 chiếc máy chơi game gọn trong lòng bàn tay.
- Trong vài năm trở lại đây, thị trường máy chơi game cầm tay đang dần trở nên sôi động nhờ vào sự tham gia của các 'ông lớn' như Nintendo, Steam, ASUS,... Trong đó, Lenovo cũng đã ra mắt Lenovo Legion Go với cấu hình mạnh mẽ cùng thiết kế cơ động. Vậy Lenovo Legion Go có những điểm gì thú vị? Cùng đánh giá Lenovo Legion Go để tìm hiểu thêm về thiết bị nhé!
Lenovo Legion Go thiết kế trẻ trung, có thể tháo tay cầm rất tiện lợi
- Về ngoại hình, Lenovo Legion Go được thiết kế theo kiểu dáng hình chữ nhật thường thấy trên những thiết bị chơi game cầm tay đang có trên thị trường. Tuy nhiên, thay vì sở hữu những bo cong mềm mại ở các góc cạnh thì thiết kế của chiếc máy chơi game đến từ Lenovo lại có phần vuông vức hơn một chút, điều này khiến sản phẩm trông có phần cứng cáp, hầm hố và đậm chất gaming hơn so với các sản phẩm khác.
Lenovo Legion Go (sau) có ngoại hình vuông vắn, trẻ trung. Nguồn: Gizmochina.
- Bên cạnh đó, Lenovo Legion Go được hoàn thiện từ nhựa cao cấp, giúp mang lại cảm giác nhẹ nhàng khi cầm nắm nhưng vẫn đảm bảo sự bền bỉ cho sản phẩm. Đồng thời, Lenovo Legion Go còn được thiết kế theo phong cách 'công thái học' nên rất dễ dàng cầm nắm. Máy cũng có sự phân bổ trọng lượng đồng đều giúp tăng cường sự thoải mái trong quá trình trải nghiệm.
Lenovo Legion Go cho trải nghiệm cầm nắm thoải mái. Nguồn: Gizmochina.
- Tương tự như mẫu máy Switch nổi tiếng của nhà Nintendo, Lenovo Legion Go cũng có thể tháo rời 2 tay cầm một cách tiện lợi, giúp người dùng có thể thỏa sức trải nghiệm máy nhiều cách sử dụng khác nhau. Không những thế, Lenovo Legion Go còn có thêm chân đỡ để bạn đặt sản phẩm lên mặt bàn dễ dàng, giúp tăng cường sự linh hoạt của sản phẩm và người dùng cũng đỡ phải mỏi tay khi cầm máy quá lâu.
Lenovo Legion Go cho phép người dùng tháo joycon để sử dụng linh hoạt hơn. Nguồn: Gizmochina.
- Trên các joycon, Lenovo Legion Go vẫn sử dụng cách sắp xếp hệ thống nút YBXA tương tự như nhiều mẫu sản phẩm khác đang có trên thị trường, nhờ vậy mà bạn có thể làm quen sản phẩm một cách nhanh chóng. Đồng thời, khu vực cần điều hướng còn được bao quanh bởi đèn led nên Lenovo Legion Go trông bắt mắt hơn khi nhìn vào. Đặc biệt bên phần tay phải còn có trackpad để bạn di chuyển con trỏ chuột một cách tiện lợi.
Cách bố trí nút bấm trên Lenovo Legion Go rất quen thuộc và dễ tương tác. Nguồn: Gizmochina.
- Khu vực mặt sau của Lenovo Legion Go có thiết kế đơn giản với dàn loa lớn ở mặt lưng, đi kèm với đó là hai hàng phím macro ở hai bên giúp bạn có thể thiết lập chức năng bằng phần mềm hỗ trợ bên trong. Ngoài ra, 2 cạnh sau còn được nâng cao hơn một chút so với mặt lưng nên tạo được cảm giác cầm thoải mái hơn cho người dùng.
Mặt sau của Lenovo Legion Go với dàn loa và các nút macro. Nguồn: Gizmochina.
- Lenovo Legion Go còn được trang bị các cổng kết nối và phím vật lý cơ bản. Cụ thể thì nhìn lên cạnh trên, chúng ta sẽ thấy máy có một cổng sạc USB Type-C, cụm phím tăng giảm âm lượng, khe cắm thẻ nhớ, nút nguồn, cổng cắm loa 3.5 mm và khe tản nhiệt.
Các cổng kết nối và phím vật lý ở cạnh trên của Lenovo Legion Go. Nguồn: Gizmochina.
- Quay sang mặt trước, Lenovo Legion Go được trang bị màn hình có kích thước 8.8 inch, độ phân giải QHD+ (2.560 x 1.600 pixels) và sử dụng tấm nền IPS LCD. Do đó, thiết bị có thể đáp ứng khả năng hiển thị đẹp mắt, sắc nét và giúp người dùng có những trải nghiệm hình ảnh chân thực.
Lenovo Legion Go được trang bị màn hình IPS cho trải nghiệm chiến game chân thực. Nguồn: Gizmochina.
- Thêm vào đó, Lenovo Legion Go còn được trang bị tần số quét 144 Hz giúp mang đến trải nghiệm chơi game mượt mà hơn rất nhiều. Thiết bị cũng cho phép bạn tùy chỉnh tần số quét theo nhu cầu sử dụng hoặc nhằm mục đích tiết kiệm pin.
Lenovo Legion Go còn hỗ trợ tần số quét 144 Hz. Nguồn: Gizmochina.
- Tuy sở hữu rất nhiều điểm nổi bật về mặt thiết kế nhưng Lenovo Legion Go vẫn tồn tại một số khuyết điểm nhỏ. Theo Gizmochina chia sẻ, lớp vỏ nhựa màu đen của Lenovo Legion Go rất dễ bám dấu vân tay, đồng thời bộ phận joystick dùng để điều khiển cũng rất dễ bị dính dầu và rất khó để làm sạch hoàn toàn.
Lenovo Legion Go cấu hình ấn tượng với chip AMD Ryzen Z1 Extreme, chiến game mượt
Trước khi đi vào đánh giá chi tiết cấu hình, cùng mình điểm qua một vài thông số phần cứng của Lenovo Legion Go các bạn nhé!
- Màn hình: Kích thước 8.8 inch, tấm nền IPS LCD, độ phân giải QHD+ (2.560 x 1.600 pixels), tần số quét 144 Hz
- CPU: AMD Ryzen Z1 Extreme.
- RAM: 16 GB LPDDR5.
- Bộ nhớ trong: 256, 512 GB và 1 TB.
- Pin: 49.2 Wh, hỗ trợ sạc nhanh Super Rapid Charge.
- Hệ điều hành: Windows 11 Home.
Các thông số cấu hình của Lenovo Legion Go được hiển thị trên phần mềm CPU-Z. Nguồn: Gizmochina.
- Về mặt hiệu năng, Lenovo Legion Go được nhà sản xuất trang bị vi xử lý Ryzen Z1 Extreme đến từ 'Đội Đỏ' AMD. Được biết, đây là mẫu vi xử lý dành cho các thiết bị cầm tay như máy tính di động, máy chơi game,... với 8 nhân - 16 luồng có xung nhịp tối đa lên đến 5.1 GHz, đi kèm với đó là GPU tích hợp AMD Radeon Graphics với 12 nhân. Từ đó, con chip này hoàn toàn có thể giúp Lenovo Legion Go vận hành các tựa game nặng một cách trơn tru ở mức đồ họa phù hợp.
Lenovo Legion Go được trang bị vi xử lý AMD Ryzen Z1 Extreme. Nguồn: Gizmochina.
- Ngoài ra, Lenovo Legion Go còn được tích hợp dung lượng RAM 16 GB, sử dụng chuẩn LPDDR5 với hiệu suất truyền tải cao giúp thiết bị có thể hoạt động đa nhiệm hoặc khởi chạy các tác vụ nặng một cách hiệu quả. Đi kèm với đó là bộ nhớ trong có dung lượng lên đến 1 TB, hỗ trợ mở rộng bằng thẻ nhớ MicroSD cho phép bạn thỏa sức lưu trữ những tựa game yêu thích.
Lenovo Legion Go sở hữu RAM 16 GB và bộ nhớ trong lên đến 1 TB. Nguồn: Gizmochina.
- Để hiểu rõ hơn về hiệu năng mà chip Ryzen Z1 Extreme cung cấp cho Lenovo Legion Go, reviewer của Gizmochina đã thực hiện chấm điểm hiệu năng bằng phần mềm Cinebench R23 và 3DMark: Time Spy. Các kết quả thu được như sau:
Cinebench R23 (đa nhân): 12.514 điểm (điện áp 30 W)/10.462 điểm (điện áp 15 W).
Điểm hiệu năng đa nhân của Ryzen Z1 Extreme trên Lenovo Legion Go. Nguồn: Gizmochina.
3DMark: Time Spy: 2.782 điểm.
Điểm hiệu năng đồ họa của Lenovo Legion Go được chấm bởi 3DMark: Time Spy. Nguồn: Gizmochina.
- Có thể thấy, tuy chỉ là một vi xử lý nằm trong phân khúc di động nhưng Ryzen Z1 Extreme có thể mang đến hiệu năng xử lý ưu việt được thể hiện qua những số điểm. Đặc biệt là ở mặt đồ họa, GPU AMD Radeon Graphics được tích hợp trên vi xử lý có thể cho số điểm gần tương đương với card đồ họa GTX 1650 Max-Q dành cho các laptop gaming.
Lenovo Legion Go có thể cho điểm số hiệu năng ấn tượng. Nguồn: Gizmochina.
- Không những thế, tác giả còn dùng kiểm chứng hiệu năng hoạt động thực tế của Lenovo Legion Go bằng hai tựa game nặng nhất nhì dành cho PC là Cyberpunk 2077 và Horizon 5. Với thiết lập đồ họa thấp cùng chất lượng hình ảnh 1.200p, thiết bị có thể đáp ứng rất tốt khi hai tựa game có thể chạy ở số khung hình trung bình khoảng từ 50 - 60 FPS.
Cyberpunk 2077 và Horizon 5 có thể hoạt động ổn định trên Lenovo Legion Go với 50 - 60 FPS. Nguồn: Gizmochina.
- Còn đối với tựa game di động ăn khách Genshin Impact, khi tác giả điều chỉnh độ phân giải ở mức 2.560 x 1.600 pixels cùng thiết lập đồ họa thấp cũng không làm khó được Lenovo Legion Go khi máy có thể đáp ứng trung bình khoảng 52.6 FPS.
Genshin Impact được Lenovo Legion Go đáp ứng tốt với 52.5 FPS ở độ phân giải Full HD+. Nguồn: Gizmochina.
- Nhìn chung, Lenovo Legion Go cùng với chip Ryzen Z1 Extreme đều có màn thể hiện rất ấn tượng khi cho số điểm hiệu năng cùng khả năng chiến game tốt không thua kém gì những chiếc laptop gaming chuyên dụng.
Pin Lenovo Legion Go có thể sử dụng liên tục 3 - 4 tiếng
- Bên cạnh hiệu năng mạnh mẽ, Lenovo Legion Go còn được trang bị viên pin có công suất 49.2 Wh. Theo tác giả chia sẻ, với cài đặt TDP (hiệu suất thoát nhiệt tối đa) ở mức 15W, Lenovo Legion Go có thể giúp người dùng chơi game tối đa trong 2 giờ hoặc 1 giờ 30 phút ở mức TDP 30 W. Ngoài ra, khi chơi một số game có yêu cầu hiệu năng thấp hơn thì cài đặt TDP ở mức 5 - 10w đã có thể giúp thiết bị chạy được khoảng từ 3 - 4 giờ.
Lenovo Legion Go có thể đáp ứng tối đa 3 - 4 giờ sử dụng. Nguồn: Gizmochina.
- Đối với các máy chơi game cầm tay sử dụng hệ điều hành Windows hiện có trên thị trường, thời lượng pin như trên chỉ được đánh giá ở mức trung bình đủ để đáp ứng mà thôi. Do đó, trong trường hợp có nhu cầu chơi ổn định các game có yêu cầu đồ họa cao thì người dùng nên kết nối với bộ sạc, điều này sẽ giúp Lenovo Legion Go hoạt động tối ưu và không ảnh hưởng quá nhiều đến pin vì hệ thống sẽ được vận hành trực tiếp từ nguồn điện ngoài.
Tổng kết
- Nhìn chung, Lenovo Legion Go là một mẫu máy chơi game cầm tay tương đối toàn diện khi không chỉ sở hữu thiết kế đẹp mắt mà còn có hiệu năng cực mạnh mẽ, có thể xử lý tốt nhiều tựa game nặng và còn đáp ứng thời lượng sử dụng ổn định nữa. Do đó, thiết bị sẽ phù hợp với những game thủ mong muốn một thiết bị đủ mạnh mẽ để có thể giải trí mọi lúc, mọi nơi.
Bài viết được dịch từ chuyên trang công nghệ Gizmochina.